Trách nhiệm với sản phẩm của chính mình

Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa mì ăn liền của Việt Nam ra khỏi danh sách các mặt hàng cần phải kiểm soát nghiêm ngặt mức độ an toàn thực phẩm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Có được kết quả này trước hết là nhờ nỗ lực của chính các doanh nghiệp đã tuân thủ nghiêm túc các quy định của thị trường nhập khẩu, quyết tâm không để một lô hàng mì ăn liền xuất khẩu bị EC cảnh báo trong 6 tháng qua.

Mặc dù vậy, bên cạnh niềm vui về mì ăn liền thì vẫn có những nỗi lo, liên quan đến nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam đang xuất khẩu vào EU.

Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã gửi cảnh báo, từ ngày 2-7, mặt hàng thanh long sẽ bị tăng tần suất kiểm tra từ 20% lên 30% tại cửa khẩu biên giới của EU; mặt hàng ớt xanh sẽ bị chuyển từ “Phụ lục I” (kiểm tra với tần suất 50%) sang “Phụ lục II” (ngoài kiểm tra 50%, các lô hàng đến cửa khẩu còn phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm).

Có nghĩa là các mặt hàng này sẽ bị EU tăng thêm cấp độ kiểm tra, nâng thêm mức độ “nghi ngờ”. Lý do là thời gian qua, tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm không những không giảm mà còn gia tăng. Ngoài ra, 2 mặt hàng là đậu bắp và sầu riêng của Việt Nam cũng đang bị EU “soi” rất ngặt.

Thực ra, nhìn nhận một cách công tâm thì thị trường EU cũng không hề khó tính. Bởi vì, chỉ cần chúng ta đảm bảo hàng xuất khẩu an toàn và chất lượng, đã được cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ, kiểm soát gắt gao thì người tiêu dùng ở EU luôn rộng lòng đón nhận. Thị trường EU đối với Việt Nam còn rất nhiều dư địa, nhu cầu nhập khẩu là rất lớn nhưng chúng ta phải đảm bảo có thiện chí và trách nhiệm thì cơ hội khai thác thị trường này là không giới hạn.

Bài học từ mì ăn liền mà chúng ta có thể rút ra là các cơ quan chức năng cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản - thực phẩm của Việt Nam sang EU cần phải sớm vào cuộc, xem xét lại những tồn tại và vi phạm đến mức để EU phải cảnh báo, gia tăng mức độ trừng phạt là ở khâu nào, do nguyên nhân nào.

Nếu vào cuộc một cách trách nhiệm, từ kiểm soát an toàn thực phẩm đến đàm phán, thương thảo để tháo gỡ các rào cản và doanh nghiệp thể hiện rõ trách nhiệm khi đảm bảo hàng hóa thực sự đáp ứng đúng các tiêu chí… thì một ngày không xa các mặt hàng xuất khẩu đang bị EU cảnh báo sẽ sớm được đưa ra khỏi danh sách nghi ngờ, kiểm tra kiểm soát nghiêm ngặt trước khi vào thị trường lớn này.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trach-nhiem-voi-san-pham-cua-chinh-minh-post744916.html