Trái cây rẻ 'giật mình'… vẫn ế

Mới cuối tháng 4, nhưng các loại trái cây mùa hè đã được bày bán nhiều, giá so với cùng kỳ năm trước giảm đến 50%. Đặc biệt, có những loại trái cây giá rẻ đến mức khó tin như: xoài Úc, thanh long ruột đỏ...

Do khó khăn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc nên thời gian gần đây, trên thị trường nhiều loại trái cây có giá vô cùng rẻ. Ví như các loại xoài Đài Loan, xoài Úc, xoài keo hay dưa hấu, thanh long ruột đỏ… có giá khoảng 10.000 đồng/kg. Thậm chí, một số loại trái cây vốn có giá đắt đỏ như xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc, roi đỏ An Phước cũng rớt giá xuống 15.000-30.000 đồng/kg tùy loại.

Thị trường thu hẹp, thương lái mua dè dặt

Trên vỉa hè nhiều tuyến đường tại Hà Nội như Nguyễn Xiển, Đường Bằng, Trần Cung, Bằng Liệt… bày bán nhiều loại trái cây có giá “rẻ như cho”: thanh long 15.000 đồng/kg , ổi dưới 10.000 đồng/kg, dưa hấu (10.000 đồng/kg)... Tuy nhiên, theo nhiều người bán, dù giá thấp nhưng việc tiêu thụ vẫn rất chậm.

Trái cây giá rẻ tràn ngập đường phố Hà Nội nhưng vẫn khó tìm người mua.

Trái cây giá rẻ tràn ngập đường phố Hà Nội nhưng vẫn khó tìm người mua.

"Vừa vào hè nhưng nhiều loại trái cây đầu mùa có giá rẻ bèo, như xoài cát ngọt chỉ có giá từ 20.000 đồng/kg, trong khi những năm trước đều có giá gấp đôi. Thậm chí, xoài cát Hòa Lộc đầu mùa có thời điểm trên 100.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 20.000 đồng. Nguyên nhân là nhiều nhà vườn không thể xuất khẩu khiến trái cây ùn ứ, giá giảm", anh Nguyễn Văn Quang, chủ xe bán xoài tại Đường Bằng (quận Hoàng Mai) than thở.

Chị Nguyễn Thị Hương, chủ xe dưa hấu tại đường Giải Phóng cũng cho biết cả ngày chỉ tiêu thụ được gần 20 quả, chỉ đủ tiền ăn và xăng xe. Dự báo thời tiết Hà Nội từ nay đến hết tuần sẽ nắng nóng, nếu trái cây không bán hết sớm sẽ hỏng, nguy cơ mất cả vốn.

Một tiểu thương kinh doanh trái cây tại chợ dân sinh Đại Từ (Hoàng Mai) cũng cho biết: "Năm nay, trái cây nhiều, giá rẻ nhưng sức mua ì ạch nên tôi không đặt hàng như trước mà hết tới đâu nhập thêm tới đó. Các loại quýt, cam giải nhiệt mùa hè cũng bán chậm từ sau dịch bệnh đến nay".

Trong khi đó, nhiều nhà vườn cũng than thở tiêu thụ trái cây gặp khó, dù sản lượng sụt giảm mạnh và giá cả đứng ở mức thấp. Ông Lê Minh Nghĩa, chủ nhà vườn xoài Úc (Khánh Hòa) buồn bã cho biết: giá xoài mấy vụ này rớt giá liên tục, nhưng năm nay đã chạm đáy. Người dân ở vùng xoài lớn nhất Nam Trung Bộ không mặn mà thu hái vì số tiền thu lại không đủ công chăm sóc, phân bón.

“Đầu vụ, giá có nhích lên khi nhiều người thu mua, thương lái đến tận vườn lựa loại tốt để đưa đi xuất khẩu. Hơn một tháng nay, những nơi thu mua xoài chủ yếu tiêu thụ trong nước nên số lượng giảm, nhà tôi cũng chỉ chọn loại đẹp để bán”, ông Nghĩa nói thêm.

Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, giá xoài Úc loại 1 có thời điểm lên tới 120.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 12.000/kg, xoài loại 2, 3 giảm 2.000-4.000 đồng/kg. Theo người nông dân, giá xoài trên 10.000/kg thì nhà vườn mới có lãi, còn dưới giá đó chắc chắn lỗ. “Như bây giờ, giá chỉ 4.000/kg thậm chí thấp hơn, chúng tôi chỉ bán để gỡ gạc tiền thuốc, phân bón thôi”, ông Nghĩa chia sẻ.

Năng suất cao nhưng khó đầu ra

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cũng cho biết, năm nay, các loại trái cây cho năng suất cao, nhưng khó khăn đầu ra bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên nông dân phải bán với giá rất rẻ, dẫn đến tình trạng giá cả trên thị trường "lao dốc".

Nhiều thương lái xuất khẩu cũng thừa nhận giá nhiều loại trái cây đang xuống quá thấp khiến không chỉ nông dân mà cả nơi thu mua cũng gặp khó.

“Thị trường xuất khẩu trái cây chính của Việt Nam là Trung Quốc ngưng nhập hàng để phòng chống dịch, trong khi xuất khẩu bằng đường biển hiện không được nhiều do tình trạng khan hiếm vỏ container cũng như chi phí vận chuyển quá cao. Còn thị trường nội địa chỉ tiêu thụ lượng nhỏ nên chúng tôi cũng không thể thu mua số lượng lớn”, một thương lái thông tin.

Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, với chi phí đầu tư khá lớn, người trồng thanh long tại Bình Thuận chỉ hòa vốn nếu bán được thanh long trái vụ với giá khoảng 10.000 đồng/kg. Trong khi đó giá bán thực tế hiện nay cho thương lái chỉ từ 500 - 1.500 đồng/kg, người nông dân thua lỗ nặng.

Để tìm đầu ra cho trái cây, các địa phương đề nghị nông dân phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, doanh nghiệp để nghiên cứu thị trường, trong đó chú trọng nội địa.

Trước mắt, một số tỉnh đã liên kết với các siêu thị để tiêu thụ hàng hóa. Mới đây, WinCommerce đã phối hợp với tỉnh Sơn La để đưa các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh vào hệ thống bán lẻ của mình. Doanh nghiệp này cũng đang liên kết với hàng nghìn nhà cung cấp, nhà sản xuất tại nhiều tỉnh thành như: Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đắk Lắk…, chủ động làm việc trực tiếp với các hộ sản xuất, hợp tác xã, các doanh nghiệp cung ứng nông sản để có kế hoạch thu mua và bao tiêu sản lượng.

Về giải pháp lâu dài, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý, địa phương phổ biến đến người nông dân thay đổi theo hướng sản xuất công nghệ cao, tuân thủ yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… để nâng cao sản lượng và giá trị. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm từ cung cấp cho thị trường các sản phẩm trái cây tươi sang sản phẩm chế biến. Một giải pháp nữa mà các địa phương có thế mạnh về du lịch cần hướng đến là sản xuất trái cây kết hợp du lịch trải nghiệm, tăng hiệu quả của sản vật địa phương.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/trai-cay-re-giat-minh-van-e-1084984.html