Trải nghiệm tác nghiệp góp dày hành trang cuộc sống
Mỗi người trong cuộc sống với những trải nghiệm khác nhau sẽ góp phần tạo nên cách nhìn cuộc sống và rút ra những chiêm nghiệm khác nhau. Với tôi, những con đường đã đi qua, những người tôi đã gặp mang đến thật nhiều cảm xúc với nhiều giá trị sống vô cùng đáng quý.
Đó là cảm nhận về tình yêu thương con người, về ý chí chiến đấu, chiến thắng bệnh tật, vượt lên số phận; về cách sống trong cuộc đời đầy niềm tin để đạt tới cái đích của mỗi người. Và hơn hết, tôi nhận ra rằng cuộc sống điều trân quý nhất là tình người và sự thanh thản trong sâu thẳm tâm hồn.
Trong quãng thời gian 13 năm trưởng thành của báo PL&XH thì tôi đóng góp 10 năm tuổi nghề với lĩnh vực phụ trách là y tế-sức khỏe và hoạt động của lãnh đạo TP. Ở bất kỳ “mảng” nào, khi tác nghiệp, tiếp xúc, trò chuyện với các nhân vật, trong tình huống khác nhau cũng mang lại cho tôi những sự thú vị riêng.
Làm PV y tế-sức khỏe không có sự lộng lẫy khi đi gặp các “sao” hay sự lung linh của ánh đèn sân khấu trong các đêm nhạc; làm PV y tế-sức khỏe cũng không có được sự “sang” như PV nội chính… làm PV y tế là những lúc lăn mình vào vùng dịch; nơi làm việc nhiều là BV, người tiếp xúc nhiều là bác sỹ, bệnh nhân. Trong số đó có nhiều bệnh nhân mang bệnh trọng, với nhiều hoàn cảnh éo le đến nhói lòng.
Dù hoàn cảnh, môi trường tác nghiệp có sự khác biệt nhưng quãng thời gian “lăn lộn” với lĩnh vực này đã mang đến cho tôi rất nhiều ấn tượng và kỷ niệm.
Đó là câu chuyện của những người phụ nữ mang trong mình bệnh trọng - ung thư giai đoạn cuối, nhưng họ vẫn quyết tâm sinh con. Có người thậm chí đã từ chối điều trị để cố gắng cầm cự, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, mạng sống của con. Đó là nữ chiến sỹ CA, Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm từ chối điều trị ung thư phổi để nhường sự sống cho con. Đó là cô gái trẻ Nguyễn Thị Liên, 28 tuổi ở Hà Nam khi biết tin mang thai đồng nghĩa biết mình mắc bệnh ung thư vú giai đoạn tiến triển. Được bác sỹ tư vấn nhưng cô vẫn quyết tâm giữ con với hi vọng gieo mầm sống cho đời.
Điều khiến tôi cảm phục ở những người phụ nữ này chính là ý chí vô cùng mạnh mẽ và khát khao sống mãnh liệt. Họ không những phải đối mặt với những mệt mỏi của thai kỳ thông thường mà còn chịu sự hành hạ của bệnh tật khiến đớn đau, kiệt quệ. Thế nhưng, bản năng sinh tồn của họ vô cũng mãnh liệt. Đặc biệt với cô gái Nguyễn Thị Liên, khi sinh con sức khỏe trong tình trạng suy kiệt, ca mổ lấy thai diễn ra trong tư thế ngồi.
Vậy mà niềm khát khao cháy bỏng được gặp con đã khiến người phụ nữ này vượt qua tình huống sức khỏe “ngàn cân treo sợi tóc” để đáp ứng điều trị và dần hồi phục. Trong ngày xuất viện, cô cũng không thể ngờ mình có thể kiên cường và hồi phục nhanh như vậy. Tôi gọi đó là sức mạnh của tình mẫu tử, của niềm khát khao được sống. Và hơn hết đó là niềm tin, niềm hi vọng.
Không chỉ học được thái độ sống lạc quan, tích cực của mà từ môi trường BV, tôi đã chứng kiến sự thăng hoa của tình yêu thương đồng loại, sự hi sinh thầm lặng mà không mong báo đáp. Tôi đã chứng kiến những em bé mới 8 tuổi, 12 tuổi đã được gia đình thực hiện tâm nguyện hiến giác mạc để mang lại ánh sáng cho người khác; những người mẹ, người vợ đã nén nỗi đau riêng để hiến toàn bộ nội tạng của con trai, của chồng nhằm nối dài sự sống cho nhiều người khác…
Những sự hi sinh ấy thực sự khiến tôi cảm phục và xúc động đến nghẹn ngào. Sự sống không mất đi mà nối tiếp, tình yêu thương con người cũng được viết tiếp, viết dày mãi thêm khi câu chuyện của những người hiến tạng lan tỏa trong cộng đồng.
Với những người còn sống, họ cũng có cách riêng của mình để hiến tặng cuộc đời những điều quý giá, những mạch nguồn sự sống-đó là dòng máu nóng chảy trong huyết quản. Tôi đã gặp rất nhiều người hiến máu bình dị, có người hiến tới hàng trăm lần. Họ có thể là nông dân khi đi làm đồng, biết tin có buổi hiến máu đã tranh thủ tạt vào điểm lấy máu để hiến; hay là sinh viên, là người nước ngoài sống/làm việc tại Việt Nam, là những người dân tộc thiểu số vượt lũ, vượt đèo đi hiến máu… Tất cả đều chung suy nghĩ vui sướng, hạnh phúc khi giọt máu của mình cứu sống được bệnh nhân cần máu.
Những trải nghiệm này thực sự khiến tôi xúc động và chiêm nghiệm về cuộc sống, tôi chợt nhận ra lòng tốt, những điều tử tế trong cuộc đời này vẫn còn rất nhiều. Và không biết tự bao giờ, tôi cũng cảm thấy mình cần chia sẻ với cộng đồng như thể đó là trách nhiệm. Những dịp thiếu máu điều trị, khi tác nghiệp tôi đã tranh thủ trao cho người bệnh những giọt máu của mình. Lúc đó, tôi đã hiểu được cảm giác hân hoan, sung sướng, hạnh phúc của những người hiến máu…
Suốt quãng thời gian 10 năm gắn với lĩnh vực y tế-sức khỏe trong hành trình 13 năm của báo PL&XH, những nơi tôi từng đi qua, những con người tôi từng tiếp xúc, những câu chuyện tôi từng chứng kiến, tôi cho rằng đều là “cơ duyên”.
Tôi đọc được ở đâu đó rằng: Mỗi người ta gặp trong cuộc sống đều là người cần gặp; mỗi việc xảy ra đều là điều cần xảy ra. Với tôi, tất cả những trải nghiệm trong hành trình tác nghiệp đều mang đến cho tôi những cảm xúc riêng. Đó là vốn sống, là chất liệu để tôi chắt lọc, đúc rút ra cho mình không chỉ trong nghề nghiệp mà còn trong lẽ sống với những chiêm nghiệm riêng. Đó là những “món quà” quý giá mà nghề báo đã trao tặng cho tôi.