'Trăm dâu đổ đầu'... doanh nghiệp thực phẩm

Liên hệ từ việc kéo dài những quy định trái khoáy trong Nghị định 09/2016/NĐ-CP (về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm), cho đến dự kiến đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml, sẽ thấy mọi thứ liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng dường như 'trăm dâu đổ đầu'... doanh nghiệp thực phẩm bằng khâu chính sách với bất cập chồng chất.

Trong thượng tuần tháng 7/2024, có 5 hiệp hội doanh nghiệp (DN) có liên quan đến ngành hàng thực phẩm, gồm Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc đã gửi văn bản đến Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế để bày tỏ mong đợi và trông chờ vào việc sửa đổi và tiến độ sửa đổi một số nội dung thuộc Nghị định 09/2016/NĐ-CP.

7 năm chờ đợi mỏi mòn

“Đã một thời gian đủ dài 7 năm qua, cộng đồng DN các hiệp hội ngành hàng thực phẩm vẫn luôn dõi theo và theo sát tiến trình này”, trong văn bản nêu trên có nói rõ.

Các DN chế biến thực phẩm đã gặp bất lợi trong nhiều năm liền trước những quy định bất cập trong Nghị định 09/2016/NĐ-CP (về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm).

Bởi lẽ, từ tháng 1/2024, đã có chỉ đạo từ Chính phủ là Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi Nghị định 09 để trình Chính phủ trong quý 3/2024. Tuy nhiên, theo các hội DN nêu trên, dù có chỉ đạo nhưng đến nay đã đầu quý 3 vẫn chưa có dự thảo sửa đổi nghị định này để họ có thể góp ý xây dựng.

Điều đáng nói, suốt 7 năm chờ đợi mỏi mòn như vậy, đã có nhiều văn bản báo cáo, phản ánh của các DN thực phẩm liên quan đến tính chất trái khoáy ở một số quy định trong Nghị định 09. Điển hình là quy định bất hợp lý tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 6 “Muối…, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” và “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” (với mục đích là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng).

Thời gian qua, các hiệp hội DN có liên quan đến ngành thực phẩm đã có những báo cáo chi tiết các dẫn chứng chỉ rõ quy định nêu trên là bất cập. Thứ nhất là đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro, thiếu cơ sở khoa học và không chính xác với hướng dẫn của Tổ chức y tế Thế giới. Thứ hai là không phù hợp với thông lệ quốc tế và các ngành sản xuất thực phẩm xuất khẩu. Thứ ba là gây tốn kém, khó khăn cho sản xuất kinh doanh thực phẩm mà hiệu quả cho sức khỏe cộng đồng lại rất thấp.

Và các DN thực phẩm đang đặt dấu hỏi lớn là tại sao Bộ Y tế lại chậm trễ trong việc sửa đổi Nghị định 09? Bởi vì từ năm 2018 cơ quan này đã ban hành văn bản số 618/KH-BYT về kế hoạch sửa đổi Nghị định 09 nhưng nhiều năm vẫn chưa thấy kết quả. Rồi đến 7/2023, Bộ Y tế lại ban hành văn bản về kế hoạch xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 09, kết quả là báo cáo xin lùi thời gian trình dự thảo.

Nhiều DN than phiền là càng trì hoãn sửa đổi những quy định bất hợp lý trong Nghị định 09 sẽ càng gây nhiều tổn thất cho họ. Những tổn thất này không chỉ bằng tiền bạc, thời gian, mà trong nhiều trường hợp DN mất cả thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của cả ngành hàng thực phẩm Việt.

Ngoài vấn đề nêu trên, các DN thực phẩm cũng đang lo ngại trước việc trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa ra mới đây, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml, mức thuế dự kiến là 10%. Điều này được cho là nhằm hạn chế người tiêu dùng tiêu thụ nhiều đồ uống có đường gây hại đến sức khỏe.

Dẫu biết cần tính phương án khả thi để đạt hiệu quả cao trong hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường, nhưng giới chuyên gia và các DN trong mảng sản xuất nước giải khát bày tỏ băn khoăn là nếu mức thuế như trên sẽ khiến cho ngành công nghiệp giải khát trong nước gặp sốc.

Không để bất cập chồng chất

Hơn nữa, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước ngọt nên dựa trên các cơ sở khoa học, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động tới người dùng, nhà sản xuất. Đặc biệt, để đảm bảo công bằng cho các DN, rất cần có bằng chứng thuyết phục hơn về ảnh hưởng của nước giải khát và các sản phẩm có đường khác, kể cả sữa hay thực phẩm dinh dưỡng có bổ sung đường.

Nếu liên hệ từ Nghị định 09 với quy định dùng muối trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” và “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”, cho đến việc dự kiến đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml, sẽ thấy dường như mọi thứ liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng đều “trăm dâu đổ đầu” DN thực phẩm bằng khâu chính sách.

Mặt khác, có thể xảy đến hệ lụy từ chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát, đó là DN sẽ sử dụng nhiều chất tạo vị ngọt khác để thay cho đường, dẫn đến gây hại sức khỏe người tiêu dùng.

Hoặc như chuyện bắt buộc bổ sung I-ốt vào thực phẩm chế biến, nhiều DN cho biết điều này dẫn đến ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, tốn chi phí khi phải tạo ra hàm lượng I-ốt cao trong thành phẩm. Chưa kể, một số thị trường xuất khẩu chính không chấp nhận thực phẩm có bổ sung iốt, khiến cho DN phải có chứng nhận không sử dụng muối i-ốt mới có thể xuất đi được.

Hay như với quy định bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm khiến cho các DN thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu trong khi các nước xuất khẩu bột mì lại không có quy định lạ lùng như vậy.

Và nếu tiếp tục có những chính sách bất lợi như thế sẽ càng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa thực phẩm nội địa, thậm chí là làm cả đơn hàng xuất khẩu. Không những thế, việc tăng thuế đặc biệt càng cao sẽ vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng vừa phát sinh chi phí cho DN và các cơ quan quản lý.

Lẽ đương nhiên, các DN thực phẩm cần phải cầu thị và đồng hành với các cơ quan quản lý trong việc đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng song song đó, để phát triển ổn định, bền vững của các ngành thực phẩm, điều mong mỏi của các DN trong lúc này là khâu chính sách cần sửa đổi những quy định trái khoáy, cân nhắc mức thuế suất phù hợp hơn. Khi khâu chính sách không còn chồng chất những bất cập thì mới giúp cho DN yên tâm sản xuất kinh doanh thay vì để họ luôn phải gánh mối lo “trăm dâu đổ đầu tằm”.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tram-dau-do-dau-doanh-nghiep-thuc-pham-1100850.html