Trần Thùy Mai: Bánh mì và tôi

Một lần nọ, có một phụ nữ Mỹ hỏi tôi về một món ăn Việt Nam. Thấy tôi nghệch mặt ra, chị lấy bút viết ra giấy mấy chữ: 'Banh mí'. Đọc rồi, tôi vẫn phải nghĩ thêm mấy giây mới nhận ra cái món chị muốn nhắc đến: Bánh mì!

Một lần khác, vào thăm California Academy of Sciences, ngạc nhiên chưa, tôi thấy trong thực đơn của căng tin có món “Bánh mì Sài Gòn”. Tôi lập tức chọn ngay, để xem “bánh mì xíu” của ta dưới bàn tay chế biến của người đầu bếp Mỹ nó ra sao? Tất nhiên là hình thù tuy giống nhưng hương vị đã biến tướng rất nhiều, nhưng dù sao vẫn là một món Việt.

Vừa nhấm nháp cái bánh mì phảng phất mùi vị của hot dog, tôi vừa tự hỏi thầm, không biết từ lúc nào cái món rõ ràng là Tây này lại được mặc nhiên xem như một món ăn tiêu biểu của Việt Nam?

Nhà văn Trần Thùy Mai và tiệm bánh mì nổi tiếng của người Việt trên đường Larkin (San Francisco) mà nhiều người Mỹ cũng sẵn lòng xếp hàng chờ mua. Ảnh: CTV

Nhà văn Trần Thùy Mai và tiệm bánh mì nổi tiếng của người Việt trên đường Larkin (San Francisco) mà nhiều người Mỹ cũng sẵn lòng xếp hàng chờ mua. Ảnh: CTV

Người Việt biết ăn bánh mì từ lúc nào? Theo tôi, những người đầu tiên nếm món bánh mì chính là cụ Phan Thanh Giản và những tùy viên trong phái đoàn đàm phán của cụ. Cụ Phan đã ghi trong nhật ký, khi kể lại một bữa tiệc: “Khi ngồi vào bàn, mỗi người đặt khăn trên đùi từ bụng đến đầu gối để bảo vệ áo quần và khi cần thì lau tay, lau miệng. Bánh mì đặt bên trái dĩa...”.

Trái với tập quán ghi chép vắn tắt của các nhà nho xưa, cụ Phan ghi rất cẩn thận và chi tiết. Nhưng dù vậy, ta cũng chỉ thấy cái bánh mì nằm ở đâu trên bàn tiệc, chứ không biết hương vị ngon dở thế nào. Dù ngồi ở vị trí khách ngoại giao được chiêu đãi trọng thể, nhưng ý thức về thân phận sứ thần một nước đang bại trận, chắc chắn chẳng vui gì; những cao lương mỹ vị trên bàn, có khi nuốt chẳng trôi. Nếu cụ không thưởng thức được, cũng chẳng có chi là lạ.

Điều chắc chắn nhất là từ các bàn tiệc ngoại giao, bánh mì đã lan tỏa rộng hơn qua những bữa ăn của lính viễn chinh Pháp. Vào thời điểm ấy, trong mắt những người dân Đại Nam yêu nước, bánh mì chắc chắn là một thứ xa lạ đáng ghê tởm, bởi nó gắn liền với hình ảnh lính Tây và những kẻ theo Tây.

Người Việt biết ăn bánh mì từ lúc nào? Theo tôi, những người đầu tiên nếm món bánh mì chính là cụ Phan Thanh Giản và những tùy viên trong phái đoàn đàm phán của cụ.

Trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cụ Nguyễn Đình Chiểu đã viết: Sống làm chi theo lính Mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghĩ càng thêm hổ. Lính Mã tà, tức là những người Việt mà Tây gọi là mata, họ làm lính cho Tây, nên ăn ké theo Tây.

Đã có người ăn, tất nhiên ở Sài Gòn phải có người làm để bán. Nhưng cụ Đồ Chiểu và học trò cụ chắc chắn không bao giờ đụng đến cái thứ ngoại lai ấy, cũng như cụ đã không chịu dùng xà phòng, thuốc Tây, mặc dù xà phòng và thuốc Tây đã du nhập vào nước Việt từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, trước khi quân xâm lược tấn công nước ta.

Bài văn tế của cụ Đồ Chiểu viết năm 1861, đến nay đã 162 năm. Trong khoảng thời gian đó vận nước đã trải qua nhiều đoạn thăng trầm. Chiếc bánh mì, một vật thể phi chính trị, vẫn lặng lẽ lan tỏa theo con đường riêng của nó, không phụ thuộc vào quan hệ Pháp - Việt.

Trước 1945, nó vẫn còn là một thứ thực phẩm sang trọng mà ta thấy các tác gia thuộc Tự Lực Văn Đoàn gọi là bánh Tây, xuất hiện trong bữa ăn gia đình của các thầy thông, thầy ký. Sau 1954, bánh mì trở thành một món bình dân, được bán trên lề phố, theo chân những cậu bé bán rao về tận thôn quê. Những thương hiệu bánh mì Việt đã xuất hiện: bánh mì Hòa Mã (1958), bánh mì Lee’s Sandwich (1980)…

Rồi một ngày, khi người đẹp H’Hen Niê mang chiếc váy “Bánh mì” xuất hiện trên sàn diễn Hoa hậu Hoàn vũ, thì bánh mì nghiễm nhiên được công nhận như là một nét đặc trưng của văn hóa dân tộc! Bánh mì Sài Gòn đã là một món ăn quốc tế, sánh vai với các món pizza, sushi, dim sum…

Thành phố nơi tôi ở gồm rất nhiều sắc dân; trong lòng thành phố, có phố Tàu, phố Nhật, phố Ý… và tất nhiên có cả phố Việt. Phố Tàu ở đường Grant, nhộn nhịp, sặc sỡ, từ những gian hàng đủ sắc màu, những lồng đèn đỏ kết thành chuỗi, nhìn qua nhận ra ngay dáng nét Trung Hoa. Phố Nhật ở đường Post, có cả một khu phức hợp ở đó ta có thể mua được tất cả những gì của Nhật. Bước vào đây đâu đâu cũng có hình quạt Nhật, chuồn chuồn và hoa anh đào… Phố Ý nằm ở phía Bắc, ngay trên bờ biển, thường gọi là khu “ Ý nhỏ” (Little Italy)….

Một đoạn phố Việt trên đường Larkin. Ảnh: TLTG

Một đoạn phố Việt trên đường Larkin. Ảnh: TLTG

Khác với phố Tàu, phố Nhật, phố Ý, nơi mà bản sắc dân tộc bày tỏ rất rõ qua kiến trúc, trang trí, phố Việt ở San Francisco rất bình thường! Trải dài trên đường Larkin, phố Việt không mang một dáng nét đặc thù gì của người Việt. Có chăng chỉ là những bảng hiệu chữ Việt, trong đó có tên nhiều công ty nổi tiếng nhất, như công ty Hoa Phát chuyên chuyển tiền về nước, hay công ty Lee’s Sandwich chuyên bán đồ ăn Việt Nam - có dãy cửa hàng ở rất nhiều thành phố thuộc bang Cali. Dường như tất cả năng lượng của người Việt dồn vào công việc mưu sinh từng giây từng phút, họ dồn tâm ý cho hiệu quả của công việc chứ thực sự chưa có thời gian để đưa nghệ thuật vào đời sống!

Dù con đường Larkin có tuềnh toàng thế nào thì tôi vẫn thích đến, và không những tôi mà nhiều người Việt ở những thành phố xung quanh như Daly City chẳng hạn, mỗi lần đến San Francisco đều không quên lái xe đến phố Việt, đơn giản vì ở đó có một tiệm bánh mì nổi tiếng mà nhiều người Mỹ cũng sẵn lòng xếp hàng.

Bánh mì ở đây, ngoài hương vị ngon, còn rất dễ thương vì vẫn giữ nguyên kích thước nhỏ nhắn, gọn gàng, vừa với tay cầm và vừa với bao tử của tôi, hệt như những ổ bánh mì mà trước đây tôi thường mua trên đường Điện Biên Phủ.

Đó là ngoại lệ hiếm hoi, vì hầu như món ăn Việt nào khi tới Mỹ đều trở thành to lớn dị thường. Bát phở to tướng, cái nem lụi cũng to tướng, dĩa cơm tấm thì phải vừa ăn vừa bỏ hộp đem về. Tuy cũng rất ngon, nhưng tôi thường tự hỏi, tại sao bát phở Việt lại hóa ra bự như vậy, trong khi miếng “tỉm xắm” của người Tàu thì vẫn như ở Hồng Kông, miếng sushi của người Nhật cũng vẫn nhỏ nhỏ xinh xinh như ở Tokyo. Phải chăng vì xu hướng thích nghi với nhu cầu thực tế của người Việt lớn hơn những tộc người khác, hay vì tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa ẩm thực của mình không được đặt nặng như họ?

Đem thắc mắc ấy hỏi “ông bạn cùng nhà”, người đã ở San Francisco từ 40 năm, thì chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Vào tiệm là để… ăn, không phải để suy nghĩ linh tinh! Nhớ là chỉ có trẻ con mới có quyền suốt ngày hỏi tại sao!”.

Trần Thùy Mai

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tran-thuy-mai-banh-mi-va-toi-38064.html