Trăn trở từ vườn cây trái hữu cơ…

HTX Đức Bình ở thôn Đức Bình, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà chuyên sản xuất các loại nông sản hữu cơ là mắc ca, bơ, tiêu, cà phê, na Thái, sầu riêng và các loại đậu đỗ, rau củ... Ông Nguyễn Viết Tiến - Chủ nhiệm HTX Đức Bình đang có nhiều trăn trở về những khó khăn khi theo đuổi mục tiêu sản xuất hàng sạch, hàng bảo đảm sức khỏe cung cấp cho thị trường.

Ông Nguyễn Viết Tiến có nhiều trăn trở với sản phẩm Organic

Ông Nguyễn Viết Tiến có nhiều trăn trở với sản phẩm Organic

HTX Đức Bình có 14 thành viên. Riêng gia đình ông Tiến có 7 sào cây ăn trái, gồm hơn 100 cây bơ booth, hơn 100 cây sầu riêng, 80 cây bưởi, 120 cây mãng cầu và một ít cam canh đang ra quả; ngoài ra, còn có hơn 2 ha cà phê xen sầu riêng và mắc ca, tiêu…

Ông Nguyễn Viết Tiến tâm sự: Đối với chúng tôi, đảm bảo sức khỏe cho gia đình và cộng đồng là ưu tiên số một; nên theo đuổi phương thức canh tác hữu cơ (Organic) dù là tiêu chuẩn Việt Nam hay tiêu chuẩn quốc tế lúc nào cũng quan trọng. Chúng tôi đang tiến hành lập thủ tục để xuất hàng Organic của HTX Đức Bình ra thị trường nội địa; sau đó, sẽ thực hiện các bước để xác nhận tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ và sẽ xuất hàng hóa sang các thị trường đó.

Do biết được tác hại của các loại thuốc trừ cỏ và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nên 3 năm nay, HTX Đức Bình không sử dụng các loại thuốc hóa học mà chỉ sử dụng thuốc sinh học. Bên cạnh các sản phẩm đã ổn định theo “quy trình hữu cơ” là cà phê, sầu riêng, mắc ca, tiêu… thì một số loại cây trái canh tác theo quy trình hữu cơ “chưa ra hàng hóa được”.

Chẳng hạn, cây mãng cầu Thái (na Thái) năm nay vừa ra bói mùa đầu tiên. Ông chấp nhận đưa ra thị trường “cào bằng san phẳng” với những loại na khác, vì chưa đủ sản phẩm. Hơn nữa, dù rất hợp với vùng đất Lâm Đồng, nhưng na Thái bị bọ chích hút mà thuốc sinh học không diệt được; nhưng nếu dùng thuốc BVTV thì lại mất tiêu chuẩn Organic. Do vậy, mùa đầu tiên này, ông chưa tìm ra phương thức xử lý bọ chích, nên trái không đẹp, thậm chí là bị nứt; không bóng bẩy, bắt mắt giống như na thương phẩm khác.

Đứng ở góc độ người sản xuất, ông Tiến đang trăn trở về vấn đề này. Mặc dù cam kết là hàng sạch, nhưng mẫu mã không đẹp, sẽ khó được thị trường chấp nhận. Ông đang áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình để khách hàng biết quy trình canh tác của HTX mà đặt hàng, dù sản phẩm không có “mã” đẹp. Ông Tiến khẳng định, ông thật tâm tránh thuốc BVTV, tránh những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình và người tiêu dùng.

QrCode là một loại mã đang được nhiều nhà vườn sử dụng hiện nay để xác định quy trình sản xuất của nhà sản xuất; xác định vị trí địa lý của vùng nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm; xác định chất lượng của sản phẩm do đơn vị sản xuất ra và chịu trách nhiệm tới cùng về chất lượng sản phẩm đó.

Tại vườn nhà ông Tiến, cỏ được làm cuốn chiếu. Khi cỏ tốt, ông kéo gom từng đống, nắng thì vun vào gốc cây khiến cỏ bị thiếu nước mà chết, nhưng lại có tác dụng giữ ẩm cho cây. Theo ông Tiến , khó nhất khi theo đuổi mục tiêu Organic là bảo quản vườn cây, đặc biệt từ lúc cây ra hoa đến khi thu hoạch. “Nhưng, vấn đề bây giờ là, chúng tôi chỉ dùng thuốc sinh học, nhưng thuốc sinh học không đạt yêu cầu, thậm chí là thuốc giả, đánh lừa bà con”.

Cơ quan khuyến nông cũng cần hỗ trợ kiến thức xử lý dịch bệnh cho cây trồng. Chứ như vườn bơ nhà ông cũng đã từng bị chết cành vào thời điểm mưa nhiều, nhưng cán bộ khuyến nông không biết cây bị bệnh gì và không biết xử lý như thế nào. Thế là ông phải mày mò, cuối cùng cũng biết cách chữa bệnh cho cây - nhưng rõ ràng rất mất thời gian… Còn chính ông cũng bị lừa khi mua hàng tiếp thị về thuốc BVTV sinh học...

Ông khẳng định: Organic cần phải được đưa vào thành nền tảng kinh doanh theo nguyên lý của các cụ ngày xưa. Nói cho văn vẻ thế, nhưng ngày xưa là cây tự sinh tự lớn. Cơ cấu sản phẩm ngày nay cần năng suất, nên phải bổ sung lượng phân bón và kháng bệnh phù hợp. Có một thực tế là dân thì tin tưởng và mong chờ có sản phẩm sạch, nhưng các công ty phân bón, thuốc BVTV mang danh sinh học chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Bây giờ, người nông dân theo đuổi Organic mong muốn: Họ đã liên kết các hộ dân để cùng nhau làm ra sản phẩm sạch phục vụ cho xã hội; nhưng nếu có sự quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp, cùng người nông dân giải quyết các vấn đề của mình, như thị trường, phân bón, kiến thức khuyến nông... sẽ tạo niềm tin cho người nông dân theo đuổi quy trình canh tác mình lựa chọn.

HTX Đức Bình áp dụng dán mã QrCode (mã truy suất nguồn gốc) trên tất cả sản phẩm của mình để khẳng định: “Mọi sản phẩm chúng tôi làm ra đều do chúng tôi chịu trách nhiệm với người tiêu dùng. Chúng tôi không chỉ nắm mã code này, mà sẽ bảo vệ, duy trì mã code này và phát triển mã code bằng chính ý thức và các công việc canh tác trên vườn cây hằng ngày. Để khẳng định, chúng tôi luôn chịu trách nhiệm tới cùng về sản phẩm của mình và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng” - ông Tiến cho biết.

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201911/tran-tro-tu-vuon-cay-trai-huu-co-2972217/