Trang bị kiến thức, kỹ thuật hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Những năm qua, cùng với xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân. Từ đó, hàng nghìn nông dân trong tỉnh được trang bị kiến thức, có kinh nghiệm phát triển sản xuất vươn lên làm giàu xóa đói giảm nghèo.

Các cán bộ của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên. Ảnh: TTXVN phát

Các cán bộ của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên. Ảnh: TTXVN phát

Giai đoạn 2004 -2024, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương đã trực tiếp tổ chức được 622 lớp nghề cho trên 21 nghìn lao động nông thôn gồm các nghề: may công nghiệp, thêu ren, móc xuất khẩu, trồng trọt, bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm. Trong đó có 512 lớp nghề nông nghiệp với trên 17 nghìn học viên tham dự và 110 lớp nghề phi nông nghiệp với gần 3.700 học viên tham dự. Thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hội viên, nông dân và lao động nông thôn, nhờ vậy năng suất và chất lượng ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện các chương trình, dự án như: Dự án Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp – QSEAP; tổ chức tập huấn cho 9.160 hội viên nông dân các kiến thức về VietGAP và các quy tắc sản xuất thực phẩm an toàn; tổ chức tập huấn đào tạo cho 20 trưởng nhóm thực hành sản xuất chăn nuôi tốt và nông dân chủ chốt các kiến thức về thực hành sản xuất chăn nuôi tốt và thực hiện áp dụng trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Cảnh, thôn Hoành Lộc, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã nuôi thả cá ở gần 5.000m2 ao của gia đình. Anh chia sẻ, trước đây khi chưa được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, cá của gia đình anh thường xuyên bị chết, chậm lớn, dịch bệnh nên bị thua lỗ. Từ khi được tập huấn về kỹ thuật và ứng dụng khoa học trong chăn nuôi, gia đình anh bắt đầu cho thu lãi. Năm 2023, ao cá của anh cho thu hoạch trên 18 tấn cá các loại, trừ chi phí cho lãi trên 200 triệu đồng. Từ những kiến thức được tập huấn và áp dụng trong chăn nuôi đã góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Để hỗ trợ hiệu quả cho nông dân trong sản xuất, Trung tâm còn xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như: Mô hình thâm canh các giống dưa hấu Hắc Mỹ Nhân; thâm canh cây dưa hấu ghép trên gốc bầu; thâm canh bí xanh, dưa chuột; mô hình rau an toàn, nhân giống cây ăn quả; mô hình trình diễn giống gà, ngan; mô hình nuôi cá giống mới... để hạ giá thành và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Anh Nguyễn Hữu Học, Trưởng Phòng Hỗ trợ nông dân, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương cho biết, sau mỗi lớp tập huấn, cán bộ Hội Nông dân tỉnh thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân các xã tích cực tuyên truyền, động viên hội viên ứng dụng những kiến thức được tập huấn vào sản xuất và chăn nuôi. Tại các địa phương cũng đã thành lập các câu lạc bộ nông nghiệp để làm cầu nối, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế.

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã thành lập và hoạt động hiệu quả gần 50 câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản, 27 tổ trồng trọt, khoảng 30 tổ chăn nuôi về gia súc, gia cầm và chăn nuôi lợn. Đặc biệt, các câu lạc bộ còn thực hiện liên kết giữa các câu lạc bộ, liên kết các hội viên để hỗ trợ nhau về giống, thức ăn, phòng, chống dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi để nâng cao hiệu quả trong sản xuất và chăn nuôi.

Các cán bộ của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương kiểm tra hệ thống cho cá ăn tự động trên ao nuôi. Ảnh: TTXVN phát

Các cán bộ của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương kiểm tra hệ thống cho cá ăn tự động trên ao nuôi. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Quý Trọng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương thông tin, để công tác dạy nghề, tập huấn cho nông dân đạt được hiệu quả cao, Trung tâm đã không ngừng đổi mới chương trình, đổi mới nội dung, phương pháp dạy nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật theo hướng tăng cường thực hành; dạy nghề, tập huấn theo hướng lấy người học làm trung tâm, "cầm tay chỉ việc", đồng thời xây dựng các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp hiệu quả. Tuy nhiên, công tác dạy nghề, tập huấn hỗ trợ nông dân hiện gặp một số khó khăn như: Công tác tuyên truyền còn chưa thường xuyên, thiếu nguồn lực và chính sách hỗ trợ, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực năm 2020 nhưng đến nay chưa có đề án thay thế, tiếp nối.

Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác dạy nghề cho nông dân, ông Nguyễn Quý Trọng cho rằng, các cấp chính quyền cần tiếp tục quan tâm, dành sự ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó cần đầu tư kinh phí dạy nghề cho nông dân để khơi dậy khát vọng vươn lên, xây dựng giai cấp nông dân trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn hiện nay.

Tiến Vĩnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/trang-bi-kien-thuc-ky-thuat-ho-tro-nong-dan-phat-trien-san-xuat-20240821070620786.htm