Trang bị kỹ năng cho người lao động

Đồng Nai đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới khi hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đang có những bước đi đột phá. Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút những dự án công nghệ cao, tạo ra những giá trị gia tăng lớn.

Lao động giản đơn, phổ thông sẽ ngày càng thiếu chỗ đứng khi tỉnh không thu hút những doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động. Trong ảnh: Công nhân tại một doanh nghiệp ở H.Xuân Lộc may gia công thời trang thể thao xuất khẩu

Lao động giản đơn, phổ thông sẽ ngày càng thiếu chỗ đứng khi tỉnh không thu hút những doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động. Trong ảnh: Công nhân tại một doanh nghiệp ở H.Xuân Lộc may gia công thời trang thể thao xuất khẩu

Nhiều năm qua, Đồng Nai đã đón nhiều nhà đầu tư mang đến những công nghệ hiện đại từ nhiều quốc gia hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... Điển hình là Công ty TNHH Bosch Việt Nam, 100% vốn đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức tại Khu công nghiệp Long Thành (H.Long Thành) với nhà máy sản xuất dây đai truyền lực dùng trong động cơ ô tô với công nghệ tự động cao, sử dụng ít lao động, tạo ra giá trị sản xuất lớn.

Từ năm 2012, Công ty TNHH Bosch Việt Nam còn đầu tư chương trình đào tạo nghề cơ khí chất lượng cao TGA ngay tại công ty với điều kiện thực hành như trong nhà máy sản xuất thực tế.

Công ty TNHH Bosch Việt Nam còn phối hợp với Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Học viên được đào tạo theo chương trình TAG của Bosch sẽ được học lý thuyết tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Lilama 2 và thực hành tại xưởng của công ty. Học viên được đào tạo kỹ năng tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế.

50% trong tổng số người lao động của tỉnh là lao động phổ thông, không qua đào tạo.

Còn tại Công ty TNHH Dụng cụ cơ khí và y tế Việt Phát (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom), hiện DN này vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các loại giường bệnh kỹ thuật cao phục vụ các bệnh viện, vừa nhập khẩu phân phối nhiều máy móc cơ khí tự động cho thị trường trong nước. Người đứng đầu doanh nghiệp (DN) này là ông Đào Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, vốn quen thuộc với nhiều công nhân lao động tại H.Trảng Bom bởi ý chí phấn đấu tự học và tự hoàn thiện bản thân và trách nhiệm với DN mình làm việc.

Ông Việt chia sẻ: “Những kinh nghiệm tôi tích lũy được từ quá trình làm công nhân kỹ thuật đang được tôi chia sẻ lại cho người lao động (NLĐ) trong chính DN của mình thông qua công việc hàng ngày và những buổi đào tạo tại chỗ. Điều tôi mong muốn nhất là làm sao NLĐ trong DN mình ai cũng có tay nghề, ai cũng có ý thức trở thành những lao động chuyên nghiệp. Khi DN có đội ngũ lao động tay nghề cao, ý thức làm việc chuyên nghiệp sẽ tạo ra sự phát triển bền vững cho cả DN và NLĐ”.

TS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng cho hay, các cơ sở đào tạo có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và rộng hơn là cho cả nước. Muốn làm được điều đó, DN cùng với nhà trường phải xích lại gần nhau hơn để cùng trao đổi những điều DN cần ở NLĐ. Ngược lại, cơ sở đào tạo phải thường xuyên đổi mới phương pháp đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của DN. Một điều quan trọng nữa là đi đôi vào đào tạo chất lượng về chuyên môn thì cơ sở đào tạo phải đặc biệt chú trọng đến kỹ năng cho NLĐ, trong đó có kỹ năng ngoại ngữ.

Đặng Công

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202308/chuyen-de-ky-nang-nghe-cho-nguoi-lao-dong-trang-bi-ky-nang-cho-nguoi-lao-dong-3174127/