Tranh luận gay gắt về lợi - hại của thủy điện

Trong 3 ngày Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, có 112 đại biểu Quốc hội (ĐB) phát biểu, 18 ĐB tranh luận; Phó Thủ tướng và 7 bộ trưởng đã giải trình các vấn đề liên quan. Vai trò của thủy điện là vấn đề gây nhiều tranh luận nhất khi các ĐB thảo luận trong ngày 5-11.

Đánh giá khách quan, nhiều chiều về vai trò của thủy điện

Về ý kiến các ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Dương Trung Quốc (Đồng Nai) xung quanh vấn đề thủy điện và môi trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, muốn có thêm dự án điện thì phải bổ sung quy hoạch và xuất phát từ địa phương. Các địa phương căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Công thương, trong đó có đề cập rõ tiêu chí về sử dụng đất. Dự án sử dụng đất rừng vượt 10ha/MW điện, dự án lấy đất rừng tự nhiên thì sẽ không được xem xét. Bên cạnh đó, để dự án điện vào quy hoạch, Bộ Công thương phải xin ý kiến các bộ: NN-PTNT, TN-MT, Xây dựng... Trong đó, đánh giá tác động môi trường là báo cáo quan trọng để cấp có thẩm quyền xem xét thông qua dự án hay không.

Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) bày tỏ quan điểm về vai trò của thủy điện với lũ lụt: “Nếu nói đúng cả thì chỉ trời sai, là do mưa nhiều quá!”. Theo ông, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công thương chưa ổn khi cho rằng, bất cập trong xây dựng, quản lý thủy điện là do chính quyền địa phương và trong tổ chức thực hiện. Ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thường gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở như các cụ hay nói “tức nước vỡ bờ”, nước thoát trái quy luật tự nhiên.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, khi xây dựng thủy điện Sông Đà, mục tiêu ban đầu là trị thủy, sau đó mới đến phát điện. Chính vì sử dụng chủ yếu trong điều tiết lũ nên Hà Nội đã tránh được các trận lụt lịch sử. Lũ lụt ở Hà Nội, đồng bằng sông Hồng cơ bản được khắc phục.

Nhưng mặt trái của thủy điện xảy ra khi có sự lạm dụng số lượng nhà máy, lựa chọn địa điểm, quy trình kỹ thuật… Thậm chí, một số chủ nhà máy điện đã lạm dụng quy trình đó để trục lợi thông qua phá rừng, lấy gỗ quý tự nhiên. Việc đánh giá vai trò của thủy điện, thủy lợi cần phải khách quan, nhiều chiều, không vì lũ lụt mà “đổ hết cho thủy điện”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, khi thủy điện nhỏ hết khấu hao thì chủ đầu tư xử lý. Nhưng hiện nay nhiều dự án lấy đất của dân không đền bù thỏa đáng, vậy mấy chục năm sau lấy cơ chế nào ràng buộc họ phải tháo dỡ. Do đó, cần có chế tài “nắm đằng chuôi” vì doanh nghiệp “thoái thác, bỏ đi, ai làm gì được”.

Cho rằng không thể mọi thứ “đổ thừa” cho thủy điện, nhưng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), việc đưa dự án thủy điện vào quy hoạch cần xem xét nhiều yếu tố, nhất là tác động của mỗi dự án và phải nhìn nhận một dòng sông “chịu được bao nhiêu thủy điện”. Nếu đơn giản hóa tiêu chuẩn xét duyệt ở bước này, sẽ không thấy được vai trò, trách nhiệm của Nhà nước.

Sạt lở đất do nhiều loại hình thiên tai

Giải trình ý kiến các ĐB liên quan đến thiên tai ở miền Trung vừa qua, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà dẫn thông tin từ báo cáo rủi ro thiên tai của Liên hiệp quốc cho biết, trong 40 năm qua, cường độ và tần suất thiên tai tăng lên 4 lần. Kết quả nghiên cứu, xem xét các điểm xảy ra sạt lở ở miền Trung vừa qua cho thấy, nguyên do là tổ hợp của nhiều loại hình thiên tai, như 4 cơn bão liên tiếp, lượng mưa vượt các chỉ số đo lịch sử. Những khu vực xảy ra sạt lở ở miền Trung vừa qua không liên quan đến thủy điện. Mặc dù các thủy điện miền Trung không có chức năng cắt lũ, nhưng vừa qua đã cắt giảm lũ cho vùng hạ du 30%-70%. Mùa hạn, các hồ chứa ở đây có vai trò cấp nước cho sản xuất.

Về đất rừng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam tăng tỷ lệ rừng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha (riêng rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha), như vậy đã tăng 1,3 triệu ha rừng tự nhiên trong 30 năm qua. Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên chưa được tốt. Trong tổng số 10,3 triệu ha rừng tự nhiên chỉ có 15% rừng giàu về trữ lượng, 50% rừng trung bình và 35% rừng nghèo kiệt.

Sau phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) bày tỏ nghi ngờ con số 14,6 triệu ha rừng, bởi rừng tự nhiên tăng lên trong khi năm nào Quốc hội cũng phải xem xét dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, chuyển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ sang mục đích khác.

HÀ MY - LÂM NGUYÊN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/tranh-luan-gay-gat-ve-loi-hai-cua-thuy-dien-85458.html