Tranh thủ nắng ráo, nông dân Hà Tĩnh bám đồng chăm sóc rau màu

Những ngày qua, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nông dân trồng rau màu trên địa bàn Hà Tĩnh tích cực bám đồng, khôi phục diện tích bị ảnh hưởng do mưa lớn.

Sau đợt mưa lớn kéo dài trong tháng 9, nhiều diện tích trồng khoai lang thuộc xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) bị xói mòn đất, có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản. Thời điểm này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhiều hộ dân tích cực bám đồng, vun luống, cày xới đất, tái sản xuất những diện tích bị ảnh hưởng.

 Nhiều diện tích khoai lang trên địa bàn xã Thịnh Lộc bị xói do mưa lớn.

Nhiều diện tích khoai lang trên địa bàn xã Thịnh Lộc bị xói do mưa lớn.

Đang tất bật vun luống cho hơn 2 sào khoai lang, ông Phạm Đình Sự (thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc) chia sẻ: "Gia đình tôi xuống giống từ cuối tháng 8. Khi vừa trồng xong thì mưa lớn kéo dài khiến đất bị xói, sụt lún. Tình trạng này kéo dài có thể khiến đất bị chua, cây bị hỏng gốc, giảm năng suất. Vì vậy, tranh thủ thời tiết nắng ráo, tôi xuống đồng để xới đất, vun luống. Đối với những cây bị hư hỏng, chúng tôi tiến hành nhổ bỏ và trồng lại".

Cách đó không xa, ông Nguyễn Doãn (thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc) cũng đang kiểm tra diện tích trồng khoai lang bị ảnh hưởng sau mưa. "Mọi năm, thời tiết thuận lợi, 1 sào khoai lang của tôi cho thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng. Năm nay, khoai vừa xuống giống đã bị ngập dài ngày, tình trạng này không chỉ khiến chất lượng củ giảm mà còn ảnh hưởng đến vụ trồng lạc năm sau. Vì vậy, thời điểm này chúng tôi ưu tiên làm sạch đất, khôi phục sản xuất" - ông Doãn cho biết.

 Tranh thủ nắng ráo, ông Nguyễn Doãn ra đồng kiểm tra diện tích khoai lang.

Tranh thủ nắng ráo, ông Nguyễn Doãn ra đồng kiểm tra diện tích khoai lang.

Bên cạnh những diện tích mới trồng bị xói mòn, nhiều diện tích đang bước vào giai đoạn phát triển, cho thu hoạch cũng bị ngập úng khiến cây thối rữa, người dân buộc phải cắt bỏ để làm sạch đất, đảm bảo chất lượng cho các vụ mùa sau.

Thống kê của UBND xã Thịnh Lộc, vụ đông này, toàn xã gieo trồng 151 ha rau màu các loại, trong đó, diện tích trồng khoai lang đạt hơn 100 ha. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và bão số 4 trong tháng 9, mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích khoai lang bị ngập úng, ước tính khoảng hơn 20 ha, tập trung tại các thôn Nam Sơn, Hòa Bình.

“Vùng trồng rau màu tại xã Thịnh Lộc là vùng đất cát, do vậy, mưa lớn kéo dài nhiều ngày thường khiến đất bị xói mòn, ngập úng. Hiện địa phương đang hướng dẫn người dân chăm sóc kịp thời vùng cây trồng bị ảnh hưởng bằng cách cày rãnh, vun luống, phục hồi sản xuất" - ông Trần Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho hay.

 Người dân xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) vun luống những diện tích khoai lang bị xói mòn đất sau mưa.

Người dân xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) vun luống những diện tích khoai lang bị xói mòn đất sau mưa.

Tại xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà), những ngày này, không khí lao động trên những ruộng rau màu cũng rất tất bật. Nhiều người dân tranh thủ bám đồng, chăm sóc diện tích rau bị ảnh hưởng do mưa lớn, đồng thời khởi động sản xuất vụ đông.

Bà Trần Thị Thức (thôn Bắc Bình, xã Tượng Sơn) cho biết: “Diện tích đậu của tôi xuống giống từ tháng 6, hiện đã thu hoạch gần xong. Trận mưa lớn 1 ngày trước khiến cây trồng bị tàn nhiều, vì vậy, tranh thủ thời tiết khô ráo, tôi thu hoạch số đậu còn lại, xử lý đất và chuẩn bị trồng lứa rau mới”.

 Bà Thức bám đồng làm đất, chuẩn bị gieo trồng các loại rau màu mới.

Bà Thức bám đồng làm đất, chuẩn bị gieo trồng các loại rau màu mới.

Vùng trồng rau tại xã Tượng Sơn trồng nhiều loại rau màu như: cà, bí, dưa chuột, đậu… Theo chia sẻ của nhiều người dân, rau màu vụ đông dù bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, song khi thu hoạch cho giá trị kinh tế cao. Vì vậy, những ngày thời tiết thuận lợi, bà con đều tranh thủ bám đồng, tích cực sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Vân (thôn Bắc Bình, xã Tượng Sơn) chia sẻ: “Vụ đông này, gia đình tôi trồng chủ yếu là bù, dưa chuột. Thông thường, chỉ một trận mưa nhỏ cũng có thể khiến cây bị thối rễ. Trận mưa tối 1/10 khiến 1/2 luống dưa chuột bị hư hỏng. Do vậy, thời điểm này, tôi tranh thủ làm cỏ, buộc lại giàn và tái sản xuất rau ngắn ngày xen canh”.

 1/2 giàn dưa chuột của gia đình bà Nguyễn Thị Vân bị hư hỏng sau mưa.

1/2 giàn dưa chuột của gia đình bà Nguyễn Thị Vân bị hư hỏng sau mưa.

Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, sau các trận mưa lớn, người dân cần khẩn trương kiểm tra tình hình rau màu, dựng lại các cây bị đổ ngã và loại bỏ số bị hư hại nặng. Cần nhanh chóng kiểm tra và khơi thông các rãnh thoát nước để tránh tình trạng nước đọng làm ngập úng cây trồng.

Đáng nói, thời điểm sau mưa, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển như bệnh héo rũ, thối rễ, mốc trắng, do đó, cần theo dõi thường xuyên và phun thuốc phòng trừ ngay khi phát hiện dấu hiệu bệnh. Sau khi nước đã thoát hết, bón thêm phân hữu cơ hoặc phân chuồng để cung cấp dinh dưỡng cho cây, nhất là sau khi nước mưa rửa trôi một phần phân bón..

Video: Nông dân xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) bám đồng chăm sóc rau màu sau mưa.

Phan Cúc

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/tranh-thu-nang-rao-nong-dan-ha-tinh-bam-dong-cham-soc-rau-mau-post274698.html