Tránh tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 1/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia thảo luận.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự phiên thảo luận tại hội trường sáng 1/11.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự phiên thảo luận tại hội trường sáng 1/11.

Dự thảo Luật PCCC và CNCH gồm 9 chương, 59 điều. Việc xây dựng dự thảo luật đã thể hiện tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng. Luật chỉ mang tính quy định khung, nguyên tắc và các nội dung chi tiết do Chính phủ và bộ quy định.

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm đã góp ý về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động PCCC và CNCH (Điều 7). Phân tích các nội dung liên quan, ý kiến chỉ rõ giữa một số quy định thuộc Điều 7 của dự thảo luật chưa có sự thống nhất, chưa rõ trường hợp nào thì cơ sở chỉ cần phân công người thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH mà không cần thành lập Đội PCCC và CNCH cơ sở, Đội PCCC và CNCH chuyên ngành. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm tính thống nhất.

Đối với Điều 14, 16, ý kiến đề nghị bổ sung và lược bỏ một số cụm từ để thể hiện đầy đủ nội hàm của nội dung được quy định, tránh trùng lặp.

Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Minh Tâm thảo luận tại hội trường.

Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Minh Tâm thảo luận tại hội trường.

Về ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động PCCC và CNCH (Điều 50), đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị cân nhắc nội dung quy định “trong nhiệm vụ chi ngân sách quốc phòng và an ninh hàng năm của Ủy ban nhân dân các cấp phải có nội dung bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ” tại khoản 1. Ý kiến chỉ rõ, theo Điều 38 của Luật Ngân sách nhà nước thì lĩnh vực “quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là một trong những nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương. Công tác PCCC và CNCH cũng là một trong các nội dung thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Do đó, không cần thiết phải quy định nội dung trên.

Đối với nội dung hiệu lực thi hành tại khoản 1, Điều 58, khẳng định việc quy định luật có hiệu lực từ 1/7/2025 là phù hợp, tuy nhiên đồng chí Nguyễn Minh Tâm băn khoăn về một số nội dụng loại trừ tại các Điều 44, 56 và 52. Ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ và xác định cụ thể ngày có hiệu lực của các điều luật này để tiện áp dụng.

Về các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng chí Nguyễn Minh Tâm tán thành với tư duy đổi mới xây dựng luật và dự thảo luật cũng đã thể hiện quan điểm này. Tuy nhiên, dự thảo luật có nhiều nội dung giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết, vì vậy, ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo chuẩn bị sớm dự thảo nghị định quy định chi tiết và ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm với luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư.

Ngọc Mai

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202411/tranh-tinh-trang-luat-cho-nghi-dinh-nghi-dinh-cho-thong-tu-2222061/