Trao 'chìa khóa' để người khuyết tật tự khẳng định mình

Là người khuyết tật (NKT) tự "vượt lên chính mình", chinh phục thành công bằng con đường học hành nên TS Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực NKT (DRD), Phó chủ tịch Liên hiệp hội về NKT Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề tiếp cận GD-ĐT dành cho NKT.

Là người khuyết tật (NKT) tự “vượt lên chính mình”, chinh phục thành công bằng con đường học hành nên TS Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực NKT (DRD), Phó chủ tịch Liên hiệp hội về NKT Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề tiếp cận GD-ĐT dành cho NKT.

TS Võ Thị Hoàng Yến. Ảnh: H.YẾN

Theo bà, tạo điều kiện thuận lợi để tham gia học tập chính là yếu tố cần thiết đầu tiên để NKT thể hiện và nâng cao được năng lực bản thân.

*Bà có thể chia sẻ đôi nét về DRD và những mảng hoạt động chính hiện nay của trung tâm?

- DRD là viết tắt theo tên tiếng Anh của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực NKT. DRD cũng có nghĩa là viết tắt của 3 từ tiếng Việt: Đời rất đẹp. Đây là điều mà NKT rất khó đạt được bởi vì họ thường phải chịu nhiều thiệt thòi. Khi nhắc đến NKT, người ta thường nghĩ đến những cảm xúc, trạng thái buồn, khổ, cô đơn, bị bỏ rơi… Vì vậy, một trong những mục tiêu hoạt động của DRD là cố gắng để cuộc cuộc sống của NKT tốt hơn, có được nhiều nụ cười hơn.

Các lĩnh vực hoạt động của DRD tập trung vào hai mục tiêu chính là xóa bỏ rào cản và nâng cao năng lực cho NKT.

* Theo bà, muốn nâng cao năng lực cho NKT thì điều gì là quan trọng nhất?

- Để NKT thể hiện và nâng cao được năng lực thì điều cần thiết đầu tiên là NKT phải được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia học tập bởi vì rất nhiều NKT khó khăn không có điều kiện để học tập. Theo các báo cáo đã được Bộ LĐ-TBXH công bố, Việt Nam có khoảng 40% NKT từ 6 tuổi trở lên không biết chữ; chỉ có 19% NKT tốt nghiệp THCS; ở bậc đại học thì phải tính theo tỷ lệ phần ngàn chứ không thể tính theo tỷ lệ phần trăm. Chúng tôi có các chương trình học bổng để hỗ trợ sinh viên cao đẳng, đại học nhưng khi đến một số trường để đặt vấn đề trao học bổng thì trường không có sinh viên khuyết tật.

“Chúng tôi cố gắng để kết nối các tổ chức, mạnh thường quân… nhằm hỗ trợ tốt nhất cho những NKT để họ được học tập và có được cơ hội việc làm phù hợp”.

Vấn đề dạy nghề cho NKT cũng gặp khó khăn tương tự. Chúng ta có những trung tâm dạy nghề cho NKT nhưng hiện nay kỹ năng đào tạo trong các trung tâm này hầu như không đáp ứng được với yêu cầu của thị trường lao động. Nếu để NKT học nghề theo diện hòa nhập, các bạn lại khó tiếp cận vì các điều kiện cơ sở vật chất, tiện ích trong trường nghề bình thường không đáp ứng được với đặc trưng của NKT.

Nếu không được tiếp cận với giáo dục thì rất khó nâng cao được năng lực cho NKT. Bản thân tôi cũng vậy. Nếu như trước đây, tôi nghĩ rằng mình không đi học được, chỉ cần học may để kiếm cái nghề thì làm sao tôi học đến đại học, du học rồi thành tiến sĩ, có được trung tâm DRD như hiện nay.

* Với những mối quan tâm về vấn đề giáo dục dành cho NKT như vậy, DRD có những hoạt động nào để trợ giúp về giáo dục dành cho NKT?

- Về hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, DRD chủ yếu hỗ trợ học bổng, bao gồm cả học bổng học nghề, học bổng dành cho con của NKT khó khăn. Chương trình này nhằm hỗ trợ kịp thời cho những NKT và con cái của NKT khó khăn có điều kiện để vươn lên trong học tập.

Cá nhân tôi còn tham gia tập huấn về giáo dục hòa nhập để các trường học nâng cao ý thức trong việc hỗ trợ học sinh tham gia học hòa nhập. Đây là hoạt động mang tính dài hơi.

Hiện nay, ngoại trừ một số trung tâm giáo dục chuyên biệt, ngành Giáo dục đang chủ yếu thực hiện dạy giáo dục hòa nhập cho NKT. Nghĩa là NKT sẽ học chung với những người học bình thường. Tôi nghĩ rằng, nếu có được lớp dành riêng cho học sinh khuyết tật trong trường học bình thường thì sẽ tốt hơn. Vì khi có lớp học này sẽ đáp ứng được cả hai mục tiêu: NKT được tham gia học tập và không bị phân biệt đối xử.

Nếu NKT được học các lớp riêng thì sẽ do các giáo viên được đào tạo chuyên về giáo dục đặc biệt phụ trách, dạy theo năng lực của học sinh. Như vậy sẽ thuận lợi hơn cho cả giáo viên và học sinh. Mặt khác, do được học cùng trường với các bạn bình thường nên các em có nhiều cơ hội để gặp gỡ, giao lưu và sẽ không gây nên sự phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, do điều kiện của chúng ta hiện còn khó khăn nên việc dạy giáo dục hòa nhập trong các lớp học bình thường là mô hình phổ biến.

Việc học đại học đối với phần lớn NKT là quá xa vời. Vì vậy, DRD đang tập trung làm việc với các trường nghề để sao cho nhà trường tạo điều kiện cho NKT tham gia học nghề. Vì thời gian học nghề ngắn hơn, giúp NKT sớm tiếp cận với thị trường lao động. Chúng tôi đã triển khai chương trình học bổng học nghề được hơn 2 năm nay.

Khi triển khai chương trình này, chúng tôi phát hiện ra có nhiều em học những ngành nghề không phù hợp với bản thân hoặc học những ngành mà khi ra trường sẽ khó xin việc làm. Do đó, DRD làm thêm chương trình hướng nghiệp, giúp học sinh khuyết tật có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp để không phí hoài thời gian, tiền bạc và có được việc làm ổn định sau khi ra trường.

Chúng tôi cũng kết nối với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho NKT

* Xin cảm ơn bà!

TS Võ Thị Hoàng Yến (sinh năm 1966 tại H.Nhơn Trạch) là người sáng lập và điều hành DRD từ năm 2005 đến nay. Bà từng đạt được rất nhiều giải thưởng quốc tế và được Tạp chí Forbes Việt Nam đưa vào danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019.

Hải Yến (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202308/trao-chia-khoa-de-nguoi-khuyet-tat-tu-khang-dinh-minh-3173580/