Trào lưu dùng taxi điện mini giá cước siêu rẻ thay thế xe ôm

Loạt hãng taxi tung dịch vụ bằng xe điện mini, gây chú ý với giá cước siêu rẻ, mời chào tỷ lệ ăn chia hấp dẫn cho lái xe nhằm thu hút cả hành khách lẫn chủ xe tự doanh.

Từ ngày 1/8, thời điểm VinFast bàn giao lô xe điện mini VF 3 đầu tiên đến tay khách hàng đến nay, thị trường đã xuất hiện dòng xe này vận hành với tư cách xe dịch vụ hợp pháp, được gắn biển vàng.

Taxi 123 Bắc Ninh là hãng taxi đầu tiên đưa VinFats VF 3 vào chạy dịch vụ. Ngoài ra, còn có hai đơn vị kinh doanh vận tải là Let's Go Taxi và TOGO loan báo sắp mua dàn xe VF 3, nhưng chưa đơn vị nào vận hành chính thức.

Trên thân xe của hãng Taxi 123 ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh niêm yết mức giá khá rẻ, chỉ 9.000 đồng/km (đi một chiều) và 5.800 đồng/km (đi khứ hồi) bằng xe điện VF 3.

Taxi 123 khu vực Bắc Ninh dùng xe VF 3 để kinh doanh với tỷ lệ chia 60% doanh thu cho tài xế. Ảnh minh họa.

Taxi 123 khu vực Bắc Ninh dùng xe VF 3 để kinh doanh với tỷ lệ chia 60% doanh thu cho tài xế. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, hãng này còn quảng cáo chiêu mộ tài xế bằng tỷ lệ ăn chia hấp dẫn 60% cho tài xế, không áp doanh thu tối thiểu…

Không chỉ xe điện của VinFast, từ tháng 5/2024 Công ty CP Let’s Go An Bình (chủ nhãn hiệu Let’s Go Taxi) tung dịch vụ xe điện giá rẻ đầu tiên tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Dòng xe được chọn là xe điện Wuling Mini EV do TMT lắp ráp trong nước.

Mức cước của Let’s Go Taxi cũng rất thấp, chỉ từ 8.000 đồng/km. So với cước taxi truyền thống tại Phú Yên, trung bình khoảng 16.000 đồng/km, giá cước taxi điện mini rẻ hơn 50%.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các đơn vị khai thác dịch vụ bằng xe điện mini đều nhắm ba mục tiêu cụ thể, tương đối giống nhau.

Thứ nhất, hướng đến cạnh tranh dịch vụ xe ôm, giá tương đương xe ôm nhưng đi ô tô điện tránh mưa nắng, an toàn hơn ngồi sau xe máy.

Thứ hai, hướng đến dịch vụ chở người trong phạm vi đô thị nhỏ, chở khách uống rượu bia và đáp ứng nhu cầu gia đình cần đưa đón trẻ em, người già.

Thứ ba, hướng đến dịch vụ cho thuê xe tự lái trong đô thị nhỏ, cự ly quãng đường ổn định và khả năng có chỗ tự sạc tại nhà của người dân các tỉnh.

Một xe VF 3 được cho là thuộc hãng Mai Linh, được cấp biển vàng để kinh doanh vận tải tại Sơn La. Ảnh minh họa.

Một xe VF 3 được cho là thuộc hãng Mai Linh, được cấp biển vàng để kinh doanh vận tải tại Sơn La. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, một người thường xuyên đi xe dịch vụ là anh Bùi Văn Cương (trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh, làm việc tại Gia Lâm, Hà Nội) nhận xét, dịch vụ taxi điện mini cũng có những bất tiện.

Trước hết là các lái xe taxi điện chỉ nhận chở tối đa 2 khách người lớn, một người ghế trước và một ghế sau.

Xe điện mini chỉ thiết kế 2 cửa, hành khách là người lớn hoặc người già khi ra vào ghế sau khá bất tiện.

Tiếp đến, xe điện mini không dám chạy lên cao tốc, do hạn chế về cự ly và tốc độ tuân thủ trên cao tốc, đơn cử cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tốc độ tối thiểu là 60km/h.

Các chuyên gia giao thông cho rằng xu hướng xe điện cỡ nhỏ thay thế xe máy xăng đang diễn ra, do các chính sách siết chặt hơn với xe máy chạy xăng sẽ thực thi trong giai đoạn 2025 - 2030.

Vì thế, trào lưu xe điện cỡ nhỏ chạy dịch vụ sẽ còn nở rộ, gây sức ép lên các hãng taxi truyền thống, buộc các hãng taxi truyền thống phải tìm cách thích nghi xu thế mới.

Lam Anh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/trao-luu-dung-taxi-dien-mini-gia-cuoc-sieu-re-thay-the-xe-om-192241023131424028.htm