Trẻ mắc viêm phổi nhập viện tăng cao

Tại Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên, những ngày gần đây, số lượng bệnh nhi liên tục tăng cao, mỗi ngày có khoảng 200 đến 250 trẻ tới khám. Hiện nay, bệnh viện đang điều trị nội trú cho 310 bệnh nhi, trong số đó có 200 bệnh nhi mắc viêm phổi và 50 bệnh nhi mắc viêm phổi kèm bệnh lý khác.

Đặc biệt, Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên đã tiếp nhận và điều trị trẻ mắc vi rút Adeno, một loại vi rút gây bệnh cảnh lâm sàng viêm phổi nặng, dẫn đến viêm phổi nặng, nguy cơ tử vong cao. Những trẻ này là những bệnh nhân đã được xét nghiệm xác định nhiễm vi rút Adeno, mức độ bệnh nhẹ hoặc những trẻ đã được điều trị, bệnh giảm nhẹ tại bệnh viện tuyến trung ương, được chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên. Ngoài các trẻ đã được xét nghiệm định danh loại vi rút này, bệnh viện cũng tiếp nhận một số trẻ có triệu chứng lâm sàng của vi rút Adeno. Các ca mắc và nghi mắc vi rút Adeno được bố trí phòng riêng, tránh lây chéo bệnh nhân khác.

Thăm khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Sản- Nhi Hưng Yên

Bác sĩ Lê Anh Huy, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Nội nhi 1 (Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên) cho biết, trẻ mắc vi rút Adeno có các triệu chứng điển hình: Sốt cao 39-400C, kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có thể lên 14 đến 18 ngày; ho, khó thở, khò khè, viêm kết mạc mắt, trường hợp bệnh nặng, thời gian nằm viện có thể từ 15 đến 20 ngày; sau khi khỏi bệnh, trẻ còn ứ đọng đờm dãi, khò khè từ 2 đến 4 tuần. Tuy nhiên, 70-80% số trẻ mắc vi rút Adeno chủ yếu gây viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng nhẹ, như: Hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ, bệnh tự khỏi trong vòng 1 tuần nếu được chăm sóc tốt tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, bệnh viện ghi nhận nhiều trẻ dưới 24 tháng tuổi, đặc biệt có trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh mắc vi rút RSV. Đây cũng là một loại vi rút gây viêm phổi, bệnh tiến triển nặng rất nhanh. Theo tổng hợp của Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên, khoảng 10% số bệnh nhân nhập viện có tình trạng bệnh nặng cần can thiệp thở ô xy, thở máy. Những trường hợp này đi kèm các yếu tố như suy dinh dưỡng, béo phì, mắc bệnh lý suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh... Hiện tại có 40 bệnh nhi đang được điều trị, chăm sóc tại khoa Hồi sức - cấp cứu, trong đó, 20 ca bệnh nặng cần hỗ trợ thở máy.Ngoài Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên, tại nhiều cơ sở y tế khác, số trẻ nhập viện do mắc bệnh thời điểm giao mùa tăng cao. Tại khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đang điều trị 70 bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp với các triệu chứng ho, sốt cao, sổ mũi, khò khè… Nhiều trẻ viêm phổi nặng. Các bệnh nhi có triệu chứng nhẹ đến khám tại bệnh viện được kê đơn điều trị tại nhà. Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà cũng tiếp nhận hàng chục ca bệnh mỗi ngày khiến bệnh viện quá tải. Chị Ưng Thị Hạnh ở xã Thiện Phiến (Tiên Lữ), có con học mầm non cho biết, con chị sốt cao từ 390C cả tuần nay, chị đã đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà điều trị, nhưng bệnh viện quá tải, cháu được chỉ định truyền dịch rồi về nhà, do chưa làm được xét nghiệm nên chưa biết nguyên nhân sốt do đâu. Bác sĩ Lê Anh Huy giải thích, thời tiết thay đổi trong ngày, nền nhiệt ban ngày và đêm chênh lệch nhau nhiều dẫn đến đường dẫn khí thay đổi đột xuất, làm tăng tiết đờm dãi, tăng mức độ bệnh và người mắc bệnh đường hô hấp. Đây cũng là thời điểm vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh khiến nhiều người mắc bệnh lý đường hô hấp. Ngoài ra, một số bệnh trước đây phát triển theo mùa thì nay xuất hiện quanh năm. Hiện nay, Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên thường xuyên điều trị nội trú từ 10 đến 15 ca tay chân miệng/ngày, từ 3 đến 5 ca sốt xuất huyết, một số ca mắc thủy đậu. Bác sĩ Huy lưu ý, tới đây, khi đến thời điểm thu hoạch lúa mùa, người dân đốt rơm, rạ nhiều khiến không khí trở nên ngột ngạt, người mắc các bệnh đường hô hấp cần tránh khu vực khói do thiếu ô xy khiến bệnh thêm trầm trọng. Nhiều người dân đến phòng khám tư truyền dịch, mời nhân viên y tế đến nhà truyền dịch hoặc sử dụng thuốc Tamiflu, một loại thuốc kháng vi rút khi có triệu chứng sốt cao, mệt mỏi... Bác sĩ Nguyễn Văn Năm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khuyến cáo, người dân không nên truyền dịch và sử dụng thuốc Tamiflu khi chưa xác định nguyên nhân gây bệnh. Theo bác sĩ Năm, có nhiều bệnh triệu chứng giống nhau nhưng do các nguyên nhân khác nhau, có bệnh chống chỉ định truyền dịch, nếu truyền dịch mà chưa được xét nghiệm có thể xảy ra biến chứng. Đối với thuốc Tamiflu được dùng theo đơn của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý mua sử dụng. Thời điểm này, chủ yếu cúm thông thường phát triển, người mắc cúm A giảm nhiều. Nếu mắc mức độ nhẹ, chỉ cần đến cơ sở thăm khám, sử dụng theo đơn thuốc và chăm sóc tại nhà theo tư vấn của bác sĩ.Để phòng bệnh thời điểm này, các bác sĩ khuyến cáo, người dân hạn chế tập trung đông người, nên đeo khẩu trang nơi đông người, khi tiếp xúc với người có các triệu chứng sốt, ho; bảo đảm đủ dinh dưỡng trong bữa ăn… 2 điều quan trọng nhất là ăn chín, uống sôi, dụng cụ cho trẻ ăn nên làm sạch bằng nước đun sôi từ 3 đến 5 phút; người chăm sóc cần vệ sinh sạch tay bằng dung dịch khử khuẩn chuyên biệt. Ở trường học, nếu trẻ bị ốm nên cho trẻ nghỉ học, khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi của trẻ bị ốm, khu vực trẻ ngồi… tránh lây cho các trẻ khác.Đào Doan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202210/tre-mac-viem-phoi-nhap-vien-tang-cao-d3063b1/