Trên đất Mường Ấm

Nằm trong không gian của vùng đất Mường Khô khi xưa, Mường Ấm ngày nay phần nhiều thuộc xã Điền Quang (Bá Thước). Người già trong bản cho rằng, tên gọi Mường Ấm thể hiện khát vọng no đủ, cuộc sống ấm êm, hạnh phúc...

Mường Ấm nổi tiếng với những cánh đồng lúa tươi tốt.

Mường Ấm nổi tiếng với những cánh đồng lúa tươi tốt.

Khác với nhiều xã của huyện Bá Thước, Mường Ấm được bao bọc bởi địa hình đồi núi thấp. Nơi đây là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em, trong đó người Mường chiếm đa số. Mường Ấm được thiên nhiên ban tặng cho đất đai tốt tươi, tương đối bằng phẳng, đây là điều kiện thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước. Và người Mường ở Mường Ấm từ rất sớm đã biết cách làm thủy lợi, dẫn nước xuống, ngay cả với những ruộng khó. Họ làm ống dẫn nước bằng những cây bương khoét các đốt rồi gối vào nhau nhằm dẫn nước lên các thửa ruộng trên cao. Bên cạnh đó, bà con cũng tận dụng đất ở các sườn, chân gò đồi để làm ruộng bậc thang... tạo nên những “cánh cung” ôm lấy bản làng. Cũng chính bởi vậy mà Mường Ấm khi xưa từng được ngợi ca là một trong những kho lúa của người Mường.

Sự no đủ đáng tự hào của Mường Ấm trong lịch sử không phải ngẫu nhiên mà có được. “Con người nơi đây đã có quá trình vật lộn với thiên nhiên, nếu không phải là cư dân nông nghiệp lấy việc cấy lúa nước là chính thì làm sao người Mường ở đây có thể tồn tại từ đời này sang đời khác... Ngạn ngữ Mường đã nói, đại ý làm ruộng vun đắp cho uống, làm nương thu hái cho ăn. Khi cuộc sống định canh, định cư đã ổn định, người dân Điền Quang hiểu rằng “một đám rẫy không bằng một luống cày””(sách Địa chí huyện Bá Thước).

Mường Ấm xưa và Điền Quang hôm nay là vùng đất rộng lớn với nhiều bản làng. Hiện nay có 15 thôn với nhiều làng truyền thống, gắn liền với đó là những truyền thuyết, câu chuyện lập làng thú vị.

Trong đó, làng Ấm (chòm Ấm) là một trong những bản làng hình thành sớm bậc nhất ở đất Mường Ấm. Người già trong làng còn kể, làng Ấm buổi ban đầu có 13 hộ gia đình đến khai hoang, vỡ đất mưu sinh. Thuở đó, khi đến đây, những hộ dân đầu tiên thấy đất đai bằng phẳng, màu mỡ, lại được bao bọc bởi núi đồi, ở giữa lại có khe nước chảy qua... nên đã quyết định ở lại lập nghiệp. Tên gọi làng Ấm được những người đầu tiên đến đây đặt cũng để gửi gắm ước vọng no đủ, hạnh phúc.

Bên cạnh làng Ấm, làng Đồi Muốn cũng là một trong những làng lập dựng từ sớm ở Mường Ấm. Truyền thuyết dân gian đến nay còn kể, làng ban đầu vốn có tên Đối Vuốn, trong đó chữ “Vuốn” được hiểu là nổi lên. Rằng khi trời đất mới hình thành, nước lênh láng ngập cả núi đồi. Về sau khi nước rút, Đồi Vuốn dần hiện ra. Trước đây, ở khu vực Đồi Vuốn là rừng núi hoang rậm, chim muông, thú rừng tập trung về đây khá nhiều. Cũng chính vì thế, khu vực Đồi Vuốn còn được biết đến với cái tên “chu moong”, được hiểu là cái tổ của thú rừng. Khi những cư dân đầu tiên đến Đồi Vuốn, do địa hình núi dốc, đi lại khó khăn nên chủ yếu mưu sinh dựa vào săn bắn.

Không ai biết con người đến cư ngụ ở Đồi Muốn từ bao giờ. Cho đến một ngày, một trận lụt lớn cuốn trôi của cải của người dân Đồi Muốn xuống tận Mường Khô. Bấy giờ, lang đạo Mường Khô thấy kỳ lạ, mới cho người ngược theo dòng suối đi tìm và cuối cùng thấy cả một vùng Đồi Muốn giàu có. Lòng tham nổi lên, lang đạo Mường Khô đã tìm cách chiếm đoạt... Ngày nay, ở làng Đồi Muốn, người dân họ Hà, họ Bùi vẫn chiếm số đông.

Nằm trên địa thế cao, làng Đồi Muốn có khí hậu mát mẻ, trong lành, thiên nhiên tươi đẹp. Nơi đây cũng sở hữu nhiều cảnh quan như hang Lòn, bến Bai và đặc biệt là thác Muốn.

Thác Muốn là một danh thắng trên địa bàn huyện Bá Thước. Trong lưu truyền dân gian địa phương, chuyện kể về thác Muốn gắn liền với tình yêu của đôi trai gái.

Xưa kia, có đôi trai gái yêu nhau tha thiết, họ cùng thề ước sẽ nên duyên vợ chồng. Chàng trai hằng ngày chăm chỉ vào rừng săn bắn, cô gái cần mẫn dệt vải. Tuy nhiêu điều ngang trái, hai gia đình lại có mối thù truyền kiếp khiến đôi bạn trẻ không thể đến với nhau. Đến một ngày, chàng trai và cô gái nắm tay nhau lên đồi, rồi lên đỉnh núi cao, từ đó bặt vô âm tín, không ai còn thấy. Thương cho tình yêu của đôi bạn trẻ, người dân trong vùng đã đặt tên cho nơi đấy là núi Muốn, đồi Muốn.

Bắt nguồn từ đỉnh núi Muốn, thác Muốn có độ cao khoảng 300m với nhiều tầng thác lớn, nhỏ, cao thấp, lại có cây rừng bao bọc tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Không chỉ mang vẻ đẹp thiên tạo, thác Muốn còn được ví như chiếc điều hòa khổng lồ mang đến khí hậu trong lành, mát mẻ cho vùng đất này.

Thác Muốn hoang sơ trên đất Mường Ấm.

Thác Muốn hoang sơ trên đất Mường Ấm.

Trên đất Mường Ấm, còn có làng Bàn Đào (thôn Đào) là quê hương của Tư Mã tướng quân Hai Đào ghi danh trong lịch sử, gắn liền với công trạng bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Chuyện kể rằng, từ nhỏ cậu bé Hai Đào đã nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn. Lớn lên lại có tướng mạo cao lớn, tinh thông võ nghệ. Khi triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ anh tài, Hai Đào đã về kinh tham dự. Trong võ đài năm ấy, Hai Đào đã đánh thắng nhiều đối thủ, được công chúa đem lòng yêu thương, sau đó trở thành phò mã.

Từ một chàng trai nghèo khó ở núi rừng xa xôi, Hai Đào được nhà vua cho mời thầy dạy học chu đáo, trở thành người văn võ toàn tài. Để đền đáp ơn vua, Tư Mã Hai Đào nguyện đem tài năng phục vụ đất nước. Khi biên giới có giặc ngoại xâm, Tư Mã Hai Đào đem quân đi giữ yên vùng biên. Theo lệnh vua, chàng trở lại vùng đất Mường chiêu mộ quân sĩ, rèn luyện vũ khí đem quân lên vùng biên cương dẹp giặc... Công lao của ông gắn liền với một dải vùng biên xứ Thanh.

Ông Trương Ngọc Tuân, công chức văn hóa xã hội xã Điền Quang, cho biết: “Tưởng nhớ công lao của tướng quân Tư Mã Hai Đào, sau khi ông mất, người dân làng Bàn Đào trên đất Mường Ấm đã lập dựng đền thờ phụng. Hằng năm, vào ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch), cùng nhau tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ tiền nhân. Cùng với lễ hội Tư Mã Hai Đào thì ở Mường Ấm còn có lễ hội Thần Thiêng truyền thống diễn ra vào ngày 15 tháng giêng (âm lịch). Đây là hai lễ hội có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người dân Mường Ấm nói chung”.

Lên thăm Mường Ấm, hòa mình trong cảnh sắc thiên nhiên hữu tình và người dân mộc mạc, mến khách, cùng khám phá những nét văn hóa truyền thống của đồng bào qua những món ăn dân dã; nghe chuyện kể dưới nếp nhà sàn, về chuyện dựng xây bản làng; những tập tục, nghi lễ... để có dịp hiểu hơn về một vùng đất yên bình, xinh đẹp nơi miền Tây xứ Thanh.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Địa chí huyện Bá Thước; Lịch sử Đảng bộ xã Điền Quang).

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tren-dat-muong-am-33276.htm