Tri ân y, bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch

20 giờ tối 14/7, lãnh đạo tỉnh gặp mặt trực tuyến, động viên, tri ân với các bác sĩ đang làm công tác điều trị trong tuyến đầu chống dịch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cùng chuyên gia từ các địa phương, đơn vị đến Phú Yên hỗ trợ phòng chống dịch.

Món quà tình cảm của lãnh đạo tỉnh gửi đến đội ngũ y bác sĩ và các đoàn công tác hỗ trợ Phú Yên phòng chống dịch qua Giám đốc Sở Y tế. Ảnh: TRẦN QUỚI

Món quà tình cảm của lãnh đạo tỉnh gửi đến đội ngũ y bác sĩ và các đoàn công tác hỗ trợ Phú Yên phòng chống dịch qua Giám đốc Sở Y tế. Ảnh: TRẦN QUỚI

“Hôm nay là một buổi nói chuyện, chúng tôi không chỉ đạo mà muốn dành thời gian để lắng nghe các bác sĩ, chuyên gia nói về công tác phòng, chống dịch; muốn lắng nghe những ý kiến phản ánh, đề xuất, tham vấn về chuyên môn cho ngành Y tế, lãnh đạo tỉnh và cả những tâm tư, tình cảm trong công việc, cuộc sống “bất thường” gần một tháng qua”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương mở đầu buổi nói chuyện.

Cuộc chiến quá bất ngờ

BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhớ lại, ngày 23/6, bệnh viện tiếp nhận ca bệnh đầu tiên, sau đó liên tiếp những ca bệnh COVID-19 nặng chuyển lên từ bệnh viện dã chiến và các trung tâm y tế. Bệnh viện bố trí 50 giường điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Cũng từ thời điểm đó, bệnh viện phải phong tỏa, mọi thứ chuyển trạng thái. Tất cả y bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

“Thời điểm bệnh viện phong tỏa có 800 bệnh nhân đang điều trị (trong đó có 204 bệnh nhân đang phải lọc máu), cộng với 800 người nhà cùng đội ngũ nhân viên y tế vài trăm người. Tất cả phải “nén” lại trong một không gian chật hẹp đảm bảo cách ly, truy vết… và đến nay đã cơ bản vượt đỉnh khó khăn. Điều đáng mừng là sau một tháng, bệnh viện đã thực hiện nghiêm quy trình, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện, giữa bệnh nhân - người nhà - nhân viên y tế”, ThS.BS Trần Anh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh tự tin nói sau gần một tháng chiến đấu với COVID-19.

Các giảng viên, sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng hỗ trợ Phú Yên lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: XUÂN TRIỆU

Các giảng viên, sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng hỗ trợ Phú Yên lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: XUÂN TRIỆU

Trong số các bệnh nhân nặng đang điều trị tại bệnh viện, đến nay có hai bệnh nhân cai được máy thở, một bệnh nhi đã được xuất viện. Đây là kết quả nỗ lực của y, bác sĩ tại chỗ và sự hỗ trợ của đoàn chuyên gia từ các địa phương, đơn vị.

Hai khó khăn lớn nhất hiện nay của tuyến đầu là nhân lực và trang thiết bị. BSCKII Phạm Hiếu Vinh thông tin: Nhân lực khu điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện chỉ có 34 người, trong đó có 6 bác sĩ, 21 điều dưỡng, 3 kỹ thuật viên, 4 hộ lý; chia làm 2 ca, 3 kíp; mỗi ca 10 người. Máy thở 6 cái, mới được bổ sung 4 máy; có hệ thống oxy và 4 máy lọc máu. Những ngày tới, nếu số bệnh nhân diễn biến nặng tăng thì sẽ không đảm bảo cho công tác điều trị, cấp cứu, đặc biệt là hệ thống liệu pháp hỗ trợ các tình trạng suy tim, suy hô hấp (ECMO).

Nghĩa tình trong đại dịch

Giữa lúc khó khăn dồn dập, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã cử đoàn bác sĩ vào hỗ trợ công tác điều trị. Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, Trường đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng cũng tăng cường lực lượng hỗ trợ truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm. Ngoài ra, các đơn vị còn hỗ trợ máy móc, thiết bị, vật tư y tế… cho Phú Yên. Đội ngũ chuyên gia vừa phối hợp, hỗ trợ điều trị vừa truyền đạt kinh nghiệm “cầm tay chỉ việc” ở những khâu khó, quan trọng nhất trong công tác điều trị. BS Vũ Bùi Bình, Trưởng đoàn công tác số 2 Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ: “Trước những khó khăn, hạn chế của ngành Y tế Phú Yên, ngoài hỗ trợ những công việc cụ thể, chúng tôi nghĩ quan trọng hơn là truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn quy trình để lực lượng tại chỗ có thể xử lý thông suốt khi đoàn rút đi. Sắp tới, lãnh đạo tỉnh và ngành Y tế cần sớm có phương án hỗ trợ trang thiết bị, nguồn nhân lực để ứng phó với số ca bệnh dự báo sẽ ngày càng tăng”.

Theo ThS.BS Trần Anh Dũng, đến nay đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã học hỏi được rất nhiều từ đồng nghiệp, qua đó nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, mạnh dạn điều trị, xử trí tình huống khó. Năng lực xét nghiệm cũng nâng lên đáng kể, từ vài ba trăm mẫu/ngày đến nay có thể làm 5.000 mẫu/ngày. “Vừa rồi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chuyển những chiếc áo làm mát để tiếp tế cho anh em làm việc trong khu dương. Hay mới đây, toàn bộ nhân viên bệnh viện nhận được những quả trứng mới luộc, bánh mới hấp nóng hổi của Thường trực Tỉnh ủy... Những món quà bình dị đó như tiếp thêm niềm tin để chúng tôi hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chống dịch, cứu người”, bác sĩ Dũng nói.

Các y bác sĩ nỗ lực lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: XUÂN TRIỆU

Các y bác sĩ nỗ lực lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: XUÂN TRIỆU

BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, phụ trách khu dương, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng; BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm cũng là người kỳ cựu “chiến đấu” với COVID-19 ngay từ những đợt dịch đầu. “Khó có thể kể hết những vất vả khi phải làm việc trong khu cách ly. Cả một tập thể ai cũng không ngại gian khổ, hy sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì quả thật anh em rất đuối, rất cần sự động viên”, Thầy thuốc Ưu tú Châu Khắc Toàn bộc bạch. Còn bác sĩ Nguyễn Thành Lãm nêu hai mục tiêu lớn: Chăm sóc, cứu sống bệnh nhân COVID và bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho lực lượng y bác sĩ để “chiến đấu” lâu dài.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, bày tỏ: “Lửa thử vàng gian nan thử sức, xin cảm ơn, ghi nhận sự hy sinh to lớn của đội ngũ y, bác sĩ, những chiến sĩ trên phòng tuyến chống dịch cao nhất. Với những ý kiến đề xuất của các bác sĩ, nhà chuyên môn, lãnh đạo tỉnh nghiêm túc tiếp thu, tìm giải pháp tốt nhất, sớm nhất, trong điều kiện có thể. Chúng ta mong sớm được gặp nhau trực tiếp, mở khẩu trang, bắt tay nhau chúc mừng vượt qua đại dịch”.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An xúc động nói: “Thật sự tự hào về các anh chị, những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Các anh chị không nói nhiều về công việc khó khăn, nguy hiểm của mình, nhưng nhìn vào đôi mắt, chúng tôi thấu cảm được những sự hy sinh thầm lặng, những đêm thức trắng. Xin một lần nữa, cảm ơn sự quên mình vì bệnh nhân COVID-19 và bày tỏ lòng tin tưởng tuyệt đối vào tinh thần làm việc tận tụy của các y, bác sĩ”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương khẳng định, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Y tế luôn tập trung, trăn trở, tìm phương án tốt nhất tháo gỡ những khó khăn hiện nay, cũng như tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Trong lúc khó khăn nhất của đại dịch COVID-19 trong cả nước, các đơn vị, địa phương đã cử đoàn công tác về hỗ trợ cho Phú Yên chống dịch, sự giúp đỡ ấy là vô cùng lớn lao, vô cùng trân quý.

Đồng chí Phạm Đại Dương đọc hai khổ thơ của chính bác sĩ Nguyễn Thành Lãm viết trong ca trực, như một sự sẻ chia, cùng cộng đồng hiểu thêm những hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ trong cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân giữa đại dịch COVID-19: “…Đã bao lần toan gục, gượng dậy thôi!/ Khi trong kia có người không thở được/ Dính “Co - Vy” thì làm sao lường trước/ Ráng tát đi, cho dẫu khó còn gì!/ Xin ngoài kia dừng tiếng bấc tiếng chì/ Hiệu quả chi lời rỉ rên than khóc?/ Rạng danh chi câu học hằn trách móc?/ Xúm một tay mới còn được tiếng đời...”.

Xin thay mặt cả hệ thống chính trị, nhân dân Phú Yên nói lời tri ân sâu sắc nhất đến đội ngũ y bác sĩ trong tỉnh, nhất là những người đang ở tuyến đầu chống dịch; đoàn công tác các địa phương, đơn vị đã hỗ trợ Phú Yên trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 đến nay. Xin được đặt niềm tin trọn vẹn và sâu sắc vào đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/261341/tri-an-y-bac-si-trong-tuyen-dau-chong-dich.html