Trị bệnh 'thổi phồng' thành tích, 'đánh bóng' tên tuổi
Lâu nay, trước đại hội Đảng các cấp được xem là 'thời điểm vàng' để một số cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương 'khoe' thành tích. Việc 'thổi phồng' thành tích, đề cao, ca ngợi, 'đánh bóng' tên tuổi đã xuất hiện trong không ít người, tại không ít cơ quan. Nếu không có thuốc đặc trị 'bệnh' này thì nguy cơ xa dân, mất uy tín với nhân dân ngày càng hiện hữu. Trị được 'bệnh' này sẽ góp phần ngăn ngừa và đẩy lùi tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước.
1. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” xác định:
Háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, “thổi phồng” thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi… là một biểu hiện suy thoái đạo đức trong cán bộ, đảng viên.
Biểu hiện rõ nhất là không ít địa phương, đơn vị tổ chức khởi công, khánh thành rình rang, tốn kém; tổ chức viết sách, viết báo ca ngợi, phản ánh sự việc, con người không đúng với thực tế hiện có... Trên lĩnh vực kinh tế, sau khi những vụ án thất thoát hàng nghìn tỷ đồng bị phanh phui thì đều phát hiện có bóng dáng của bệnh thành tích, háo danh. Biểu hiện thường thấy của bệnh này là đẩy nhanh tiến độ dự án, công trình để chào mừng một sự kiện nào đó nên sẵn sàng bỏ bớt công đoạn trong quy trình, từ thi công đến nghiệm thu… miễn sao có thành tích kịp và vượt thời gian rồi tổ chức “cắt băng khánh thành”. Hậu quả là công trình, dự án thất thoát, không bảo đảm chất lượng, nhanh xuống cấp.
Ở lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, có địa phương đã lạm dụng việc huy động sức dân, vay nợ không có khả năng chi trả để xây dựng đường, chợ, nhà văn hóa… to, hoành tráng, nhưng khi đánh giá chất lượng 19 tiêu chí thì còn nhiều hạn chế, thiếu thực chất. Chính bệnh thành tích làm xấu đi bức tranh về nông thôn mới ở không ít nơi.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bệnh háo danh, “đánh bóng” tên tuổi, “chạy” danh hiệu vẫn chưa được khắc phục. Điển hình là cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật trong học sinh, sinh viên đã khiến nảy sinh hiện tượng một số trường đua nhau làm đề tài, sản phẩm thiếu thực tiễn, tốn kém. Hay việc lựa chọn phong giáo sư, phó giáo sư còn nhiều bất cập đã khiến Thủ tướng Chính phủ phải chỉ thị cho rà soát, chấn chỉnh lại… Lĩnh vực văn học - nghệ thuật, bệnh thành tích biểu hiện trong việc tặng thưởng “vô tội vạ” các danh hiệu nghệ sĩ hay giải thưởng, trong khi có những tác phẩm, nghệ sĩ đoạt “giải cao” đó không tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng Đảng, bệnh thành tích, háo danh xuất hiện ở một số đơn vị, địa phương, từ công tác cán bộ đến đánh giá chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên, phát triển đảng viên mới và kiểm tra, giám sát. Rõ nhất là hiện tượng bổ nhiệm cán bộ vào chức danh lãnh đạo, quản lý nhưng thiếu điều kiện, tiêu chuẩn (trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ…) như ở các tỉnh Đắk Nông, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Gia Lai, Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
“Háo thành tích”, thích được đề cao ca ngợi, tìm mọi cách để “đánh bóng tên tuổi” đã khiến cho việc đánh giá, nhận định và đưa ra các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước không đúng thực tế. Điều này còn gây ra không ít hệ lụy, phổ biến nhất là thói nịnh hót, bợ đỡ tồn tại và phát triển đã làm cho nhân tài, sự trung thực, cái tốt, cái đẹp, tinh thần đấu tranh nhiều lúc, nhiều nơi phải nhường chỗ cho “Hòa Thân” thời đại mới.
Trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 14 tiêu chuẩn cần có của một người cách mạng, trong đó có tiêu chuẩn “không hiếu danh, không kiêu ngạo”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác cũng đã chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm mà cán bộ, đảng viên dễ mắc là bệnh hiếu danh, ham danh vị, hình thức… Ngày nay, những gì mà Người nhắc nhở vẫn còn và ngày càng tinh vi, gây ra hệ lụy khó lường, khó kiểm soát, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
2. Muốn trị bệnh “thổi phồng” thành tích, “đánh bóng” tên tuổi dứt điểm, có hiệu quả thì cần có nhiều “phương thuốc” hữu hiệu để phát hiện ra những “cái kim”, “bàn tay nhung” ẩn giấu trong các sự việc đang tồn tại ở cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trước hết, cấp ủy và chính quyền các cấp cần tăng cường thời lượng giáo dục, tuyên truyền, giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng có cái nhìn sâu sắc về bản chất, biểu hiện thiếu lành mạnh cũng như hệ lụy do “háo danh”, “thích được đề cao, ca ngợi”. Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên ghi nhớ, đề cao tự trọng, luôn tự phê bình và phê bình, hướng tới những việc làm có ích cho tập thể và nhân dân; không xu nịnh, bợ đỡ, kèn cựa; nêu cao ý thức trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, cống hiến khả năng, hình thành nên những cán bộ, đảng viên chân chính.
Trong thực tế, qua nghiên cứu nhận thấy, bệnh “thổi phồng” thành tích, “đánh bóng” tên tuổi phần nhiều là do công tác thi đua ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực chất, chưa gắn với công tác cán bộ. Việc tổ chức quá nhiều hoạt động thi đua mà không có sự đánh giá, kiểm soát về chất lượng đã tạo kẽ hở và điều kiện cho hành vi “làm láo, báo cáo hay” lây lan, phát triển. Thế nên, cần tổ chức thi đua và đánh giá kết quả thi đua, bình xét khen thưởng khách quan, trung thực và thực chất. Kiên quyết loại bỏ những biểu hiện gian dối “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” trong thi đua.
Cần coi trọng công tác kiểm tra chéo trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương để nâng cao chất lượng công tác thẩm định khen thưởng. Hằng năm hoặc định kỳ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thanh tra, kiểm tra, thẩm định, đánh giá kết quả công tác khen thưởng. Tập trung đẩy mạnh việc phát hiện, loại bỏ các cá nhân, tập thể “ngụy tạo” “cơi nới”, “đánh bóng” thành tích. Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra phát hiện, loại khỏi đội ngũ những cán bộ, đảng viên cố tình, cố ý “chạy” thành tích, háo danh.
Mặt khác, các cấp cần chú trọng mở rộng dân chủ, phát huy quyền giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng trong mọi công việc. Bởi việc mở rộng dân chủ sẽ giúp phát hiện ra âm mưu, thủ đoạn của những cán bộ, đảng viên cơ hội, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Việc này giúp cho cơ quan, đơn vị, địa phương tránh được tình trạng lợi dụng quần chúng để tạo phe nhóm và vây cánh hướng tới mục đích thiếu trung thực trong công tác.
Trước đại hội Đảng các cấp chính là “thời điểm vàng” để nhiều cá nhân, tập thể quảng bá, “đánh bóng” thành tích, lấy thành tích tập thể để nâng tầm cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý. Bệnh thành tích, háo danh nếu không được ngăn chặn sẽ làm tha hóa đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên; biến họ thành những người thiếu trung thực, giả dối, kiêu ngạo và không còn là “công bộc” của nhân dân.
Nhận thức, phát hiện đúng bệnh “thổi phồng” thành tích, “đánh bóng” tên tuổi để kịp thời ngăn ngừa, không lây lan là điều cấp thiết, góp phần phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra.