Trí tuệ nhân tạo giúp nông dân 'hiểu cảm xúc' của lợn

Các nhà khoa học tại châu Âu đã phát triển một thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng phân tích âm thanh của lợn, nhằm tạo ra công cụ hỗ trợ nông dân cải thiện quá trình chăn nuôi. Đặc biệt, thuật toán này được cho là có thể nhận diện những cảm xúc tiêu cực hay tích cực của lợn.

Elodie Mandel-Briefer, nhà sinh học hành vi tại Đại học Copenhagen và là người đồng chủ trì của dự án nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng hàng nghìn âm thanh tiếng kêu của lợn được ghi lại trong các tình huống khác nhau, bao gồm chơi đùa, bị cô lập và cạnh tranh thức ăn để làm mẫu nghiên cứu". Nhóm các nhà khoa học phát hiện rằng tiếng gừ gừ, hoặc tiếng kêu rít của lợn có thể mang dấu hiệu về cảm xúc tích cực hay tiêu cực.

Mandel-Briefer giải thích thêm, các công cụ ứng dụng AI sẽ đo lường tình trạng thể chất, sức khỏe của vật nuôi, ngoài ra còn hỗ trợ nông dân thực hiện các hoạt động ‘phúc lợi động vật’.

Kết quả nghiên cứu của nhóm cũng đã chỉ ra rằng lợn được nuôi trong các trang trại tự do, hữu cơ hoặc có không gian để chạy nhảy và đào bới trên đất thường phát ra ít tiếng kêu gây stress hơn so với lợn nuôi theo phương pháp truyền thống. Các nhà nghiên cứu tin rằng phương pháp này, khi được phát triển hoàn thiện, có thể được sử dụng để gán nhãn cho các trang trại và hình thành tiêu chuẩn thực phẩm, giúp người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn thông minh hơn.

“Chúng tôi đã phát triển AI, một ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp chúng ta hiểu tiếng kêu của lợn để biết chúng đang có cảm xúc tích cực hay tiêu cực,” Mandel-Briefer cho biết. “Với việc ứng dụng AI, công việc của chúng tôi đã thuận tiện hơn rất nhiều. Dự án nghiên cứu của chúng tôi đã thu được những kết quả ứng dụng quan trọng”.

Theo chia sẻ của nhóm nghiên cứu, âm thanh ‘gừ gừ’ ngắn của lợn là dấu hiệu của cảm xúc tích cực, trong khi âm thanh ‘gừ gừ’ kéo dài thường báo hiệu sự khó chịu, chẳng hạn như khi lợn chen lấn nhau ở máng ăn. Âm thanh tần số cao như tiếng rít có nghĩa là lợn đang bị stress, ví dụ khi chúng bị đau, đánh nhau, hoặc bị tách rời khỏi nhau.

“Chúng tôi tin rằng kết quả nghiên cứu và bộ công cụ AI mà chúng tôi phát triển sẽ được cộng đồng đón nhận”. Mandel-Briefer chia sẻ thêm “Sẽ có một ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động dành cho những người nông dân để ‘dịch’ ngôn ngữ của lợn nhằm thấu hiểu cảm xúc của vật nuôi”.

Lĩnh vực nghiên cứu về cảm xúc động vật được cho là đang ngày càng nhận được sự chú ý của giới khoa học, và sức khỏe tâm thần của gia súc là rất quan trọng đối với các tiêu chuẩn thực phẩm được gắn nhãn khi phân phối tại các chuỗi bán hàng uy tín.

“AI không chỉ giúp chúng tôi phân tích nhanh hơn mà còn cho phép chúng tôi theo dõi và hiểu được cảm xúc của lợn trong thời gian thực”, Jeppe Have Rasmussen, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Copenhagen, nhấn mạnh. “Đây là một công cụ tuyệt vời, sẽ cải thiện đáng kể quy trình chăn nuôi so với các phương pháp hiện tại”.

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tri-tue-nhan-tao-giup-nong-dan-hieu-cam-xuc-cua-lon-275325.htm