Trí tuệ nhân tạo sẽ tái định hình nền tảng thanh toán tại Việt Nam
Trong 2 năm, Việt Nam có cơ hội tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao trải nghiệm thanh toán ở cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Theo tin từ Visa, công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, báo cáo đánh giá mới nhất do Visa thực hiện cho thấy, trong bối cảnh tình hình thanh toán tại Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến đáng kể nhờ sự trợ lực từ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI), mang tới những trải nghiệm đột phá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng khi mua sắm và thanh toán.
Được đánh giá là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, trong 2 năm liên tiếp, Việt Nam đang nắm giữ nhiều cơ hội để tận dụng AI trong việc nâng cao trải nghiệm thanh toán ở cả người tiêu dùng và doanh nghiệp; trong đó, nền kinh tế số quốc gia được kì vọng sẽ tiếp tục phát triển với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ước tính đạt 20%.
AI tạo sinh đã và đang diễn ra trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm các dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Bằng cách cải thiện chất lượng và năng suất dịch vụ, AI đang tác động trực tiếp lên các chiến lược phát triển kinh doanh; đồng thời trở thành động lực thúc đẩy trải nghiệm tiêu dùng, mà cụ thể là giải pháp tài chính nhúng.
Tài chính nhúng, được biết đến như hình thức tích hợp nhiều cách thức thanh toán khác nhau trên các nền tảng phi tài chính. Hình thức này đang ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống tiêu dùng hiện đại tại Việt Nam. Bất kể trong dịch vụ đặt chung xe hay đặt đồ ăn qua ứng dụng, người dùng đều đang hưởng lợi từ trải nghiệm thanh toán – mua sắm liền mạch hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cũng có thể tận dụng hình thức tài chính nhúng để phát triển các giải pháp thanh toán thuận tiện hơn, giúp rút ngắn quy trình giao dịch thông thường.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết, Visa nhận thấy tiềm năng to lớn của trí tuệ nhân tạo và tài chính nhúng. Hiện nay, Visa đang kết hợp cùng nhiều đối tác chiến lược để phát triển hệ sinh thái thanh toán ngày càng thuận tiện và an toàn hơn, nâng cao trải nghiệm cho người dùng tại Việt Nam. Với vị thế và mạng lưới đối tác toàn cầu, Visa có đầy đủ các thế mạnh để góp phần định hình bối cảnh thanh toán hiện nay, hướng tới đổi mới và tiến bộ trong tương lai gần.
Ông Manideep Gupta, Phó Chủ tịch, Bộ phận Tư vấn và Phân tích, Visa Khu vực châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ, cách mạng AI đang tiến gần tới cuộc sống thường nhật của con người hơn bao giờ hết và lĩnh vực thanh toán đang đi đầu trong làn sóng chuyển đổi này. Với giải pháp tư vấn thông qua AI mới, Visa đang từng bước hỗ trợ các đối tác phát triển và tái định nghĩa cách doanh nghiệp có thể phục vụ khách hàng thông qua việc ứng dụng AI vào xây dựng tập khách hàng mới cũng như thúc đẩy trải nghiệm tương tác người dùng.
Trong mảng dịch vụ tài chính, ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ có thêm cơ hội làm chủ thị trường bằng cách sử dụng AI để thu hút khách hàng mới, nâng cao trải nghiệm, cũng như vận hành tối ưu hơn.
Đồng thời, với khả năng đẩy nhanh quá trình thẩm định tín dụng, AI hứa hẹn sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc đơn giản hóa và đảm bảo các quy trình phê duyệt và thu hồi cho cả người dùng lẫn doanh nghiệp.
Công nghệ này cũng tăng cường khả năng phát hiện và phòng chống gian lận, cải thiện công tác quản lý tranh chấp và tự động hóa các dịch vụ tư vấn tài chính. Với những tiềm năng đáng chú ý này, AI được kì vọng sẽ mở lối cho trải nghiệm khách hàng tốt hơn, cũng như tạo ra tiềm năng mới trong dịch vụ tài chính thông minh, hay các đề xuất và ưu đãi siêu cá nhân hóa.
Tháng 4 năm 2023, Visa cập nhật lộ trình an ninh thanh toán tại Việt Nam, đề xuất bộ giải pháp bảo mật hệ sinh thái thanh toán thông qua mạng lưới hợp tác sâu rộng với nhiều đối tác hàng đầu. Visa cũng tận dụng AI và các giải pháp dữ liệu nhằm bảo vệ cả giao dịch trực tuyến và giao dịch trực tiếp khỏi các mối đe dọa tiềm ẩn. Tháng 10/2023 vừa qua, Visa cũng vừa công bố Bản kế hoạch trị giá 100 triệu USD trong nỗ lực đầu tư vào các công ty phát triển trí tuệ nhân tạo tạo sinh./.