Triển khai Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá
Ngày 8/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế cho biết, những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử thuốc lá nung nóng, shisa.
Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, tình hình vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá còn diễn ra tương đối phổ biến, điển hình là vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá còn cao.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá còn chưa được thực hiện thường xuyên; dịch vụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá đã triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
Công tác phối hợp liên ngành trong phòng chống tác hại thuốc lá còn hạn chế và chưa được quan tâm tại các cấp, các ngành.
Bên cạnh đó, thực trạng thuốc lá được bán tràn lan ở khắp mọi nơi, giá thuốc lá rẻ, thuế thuốc lá thấp cũng là nguyên nhân làm cho khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng hơn và làm giảm hiệu quả của các nỗ lực cai nghiện thuốc lá.
Trước những mối nguy hại từ thuốc lá, từ năm 2012 Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật và Chiến lược quốc phòng chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2013-2020, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc năm 2020 giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng chống tác hại thuốc lá.
Để đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn đề nghị các bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội cần phối hợp và quyết tâm ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên, qua đó cũng trực tiếp hạn chế nguy cơ sử dụng các chất kích thích khác, các chất ma túy thông qua hình thức này.
Bên cạnh đó, cần thực hiện chính sách tăng thuế với các sản phẩm thuốc lá, phát triển các dịch vụ tư vấn và điều trị cai nghiện. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành trong thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá, kiểm tra, xử phạt về phòng chống tác hại thuốc lá.
Còn theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, ước tính rằng mỗi năm gây ra 60.000 ca ung thư ở Việt Nam.
Qua phản ánh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy gần đây nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong sản phẩm thuốc lá này.
Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác. Do đó, theo ông Khuê cần phải thực hiện quyết liệt các giải pháp để thế hệ trẻ không vướng vào thuốc lá điện tử.
Trước đó nói về tác hại của thuốc lá điện tử, TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc lá điện tử đang làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
Người hút nhiều thuốc lá điện tử sẽ giảm khả năng chống vi khuẩn, virus. Người này có thể thay đổi cấu trúc đường hô hấp theo hướng giúp vi khuẩn phế cầu dễ xâm nhập gây viêm phổi.
Tiếp xúc thuốc lá điện tử, khi bị nhiễm Rhinovirus gây bệnh ở người thì tải lượng virus tăng, tình trạng viêm nặng hơn, khả năng đề kháng giảm đi. Đặc biệt, thuốc lá điện tử làm giảm biểu hiện của hơn 300 gene liên quan miễn dịch.
Hệ lụy lâu dài, thuốc lá điện tử có thể gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp… thậm chí là ung thư. Đặc biệt, thuốc lá điện tử làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, chưa từng có trong y văn.
Tại Mỹ đã phát hiện ra bệnh mới là Evali (Tổn thương phổi cấp liên quan thuốc lá điện tử). Bệnh tăng mạnh tháng 8, đạt đỉnh tháng 9/2019. Tới ngày 18/2/2020, Mỹ ghi nhận 2807 ca với 68 ca tử vong được khẳng định liên quan.
Bệnh này gây ra các triệu chứng hô hấp, tiêu hóa, toàn thân. Kết quả xét nghiệm dung dịch hút và dịch đường hô hấp các bệnh nhân cho thấy có vitamin E acetate.
“Vitamin E nung nóng trong thuốc lá điện tử tạo thành khí ketene độc. Thử nghiệm trên động vật gây tổn thương giống ở người”, TS. Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Đặc biệt, hiện thế giới chưa có phác đồ chính thức bệnh Evali. 76% bệnh nhân phải thở máy, 22% thở máy không xâm nhập, một số ca phải can thiệp ECMO.
Ngoài ra, 25 - 85% các ca để lại xơ phổi mức độ khác nhau. Bệnh nhân gặp rối loạn khuếch tán kéo dài tới ít nhất 2 tháng sau khi ra viện. Bệnh nhân có thể gặp tổn thương phổi mạn tính.
“Tại Việt Nam, chúng tôi đã phát hiện có vitamin E trong thuốc là điện tử. Sớm muộn chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với bệnh mới nổi này”, bác sĩ Nguyên cho hay.
TS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết, 2 đơn vị hiện nay có khả năng xét nghiệm các loại chất gây nghiện tổng hợp là Viện Pháp y Quốc gia và Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an hiện mới chỉ xét nghiệm hơn 100 chất.
Trong khi đó, cần sa có tới vài trăm chất, các đối tượng chỉ cần thay đổi vài công thức hóa học, lại tạo chất mới. “Chúng ta phải chạy theo các chất mới để xét nghiệm mà cũng không làm xuể”, bác sĩ Nguyên nói.
Do đó, TS. Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh, cần phải cấm thuốc lá điện tử tại Việt Nam vì sẽ mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát, gây ra loạt bệnh tật mới, làm nặng thêm vấn đề thuốc lá truyền thống và phức tạp thêm vấn đề ma túy.
"Nếu cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng sẽ dẫn đến tình trạng thuốc lá điện tử cũng sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng, sử dụng trá hình sẽ rất khó kiểm soát được", bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.
Ngày 24/5/2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 đặt mục tiêu chung là: "Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra”.
Các mục tiêu cụ thể được xây dựng để phù hợp với các giai đoạn thực hiện Chiến lược. Theo đó, chúng ta phấn đấu đến năm 2030 đạt được các mục tiêu cụ thể như sau:
Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%;
Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%;
Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.