Triển khai chính sách hỗ trợ về bảo hiểm

ĐBP - Các đợt dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là khối du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn… Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết này, BHXH Việt Nam đã tham mưu các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; trong đó có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành BHXH Việt Nam gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ từ quỹ BHTN. Bên cạnh đó, ngành cũng xác nhận 6 chính sách hỗ trợ thiết thực khác liên quan đến NLĐ và NSDLĐ.

Nghị quyết số 68/NQ-CP được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để NLĐ và NSDLĐ dễ dàng tiếp cận chính sách; phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Tất cả quy trình nộp hồ sơ, nhận hỗ trợ… theo Nghị quyết số 68/NQ-CP được hướng dẫn chi tiết trên tinh thần đơn giản hóa tối đa các thủ tục với phương châm thông thoáng nhất để NLĐ và NSDLĐ tiếp cận chính sách dễ dàng nhất nhưng vẫn đúng luật.

Trên tinh thần đó, ngày 8/7/2021, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 1988/BHXH-TST hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các quy trình sau:

1. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

2. Xác nhận danh sách người lao động tham gia đào tạo.

3. Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

4. Xác nhận danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; danh sách NLĐ ngừng việc; danh sách lao động.

5. Giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Để thực hiện các quy trình này, các đơn vị có thể nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH qua giao dịch điện tử, Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam, Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc gửi hồ sơ giấy (trường hợp chưa giao dịch điện tử).

BHXH Việt Nam giao nhiệm vụ cụ thể, phân cấp, phân quyền và trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị và BHXH các tỉnh, thành phố trong toàn hệ thống. Việc triển khai hỗ trợ phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời, không được phát sinh thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và công văn hướng dẫn của ngành. Phải chủ động trong việc xác nhận, tiếp nhận hồ sơ đề nghị, không để tình trạng nhận hồ sơ rồi trả lại đề nghị bổ sung.

BHXH Việt Nam yêu cầu toàn ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về các chính sách hỗ trợ; tăng cường công tác hướng dẫn, trả lời câu hỏi, vướng mắc liên quan của NLĐ và NSDLĐ; tăng cường ứng dụng CNTT trong việc rà soát, xác nhận đối tượng hỗ trợ và báo cáo, tổng hợp…

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động tham mưu, đề xuất và khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nêu cao quyết tâm chính trị của toàn ngành trong công tác chung tay cùng các cấp, các ngành phòng chống dịch Covid-19. Trong tình hình dịch bệnh càng cho thấy sự nỗ lực của BHXH Việt Nam với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Đảng và Nhà nước ta trong công tác an sinh xã hội.

BHXH tỉnh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/189151/trien-khai-chinh-sach-ho-tro-ve-bao-hiem-