Triển khai hiệu quả chương trình, dự án, chính sách dân tộc để làm giàu trên vùng đất khó
Huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) là miền núi, thời gian qua, nhờ phát huy tiềm năng, thế mạnh và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều đồng bào ở địa phương đã mạnh dạn học tập, đầu tư phát triển kinh tế và mang lại hiệu quả đáng kể.
Đổi thay từ nếp nghĩ, cách làm
Với nhiều chương trình, chính sách phát triển dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và các hộ nghèo ở huyện miền núi Sông Hinh, thời gian qua, bà con nơi đây đã rất phấn khởi tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Với quyết tâm thoát khỏi sự đeo bám của đói nghèo, vợ chồng chị Ksơr H’Bên và anh Nay Y Na ở buôn Ly, xã EaTrol đã học hỏi, đầu tư chuyển đổi giống cây trồng, mô hình sản xuất với cây tre lục trúc. Nhờ chính sách hỗ trợ vốn vay và hướng dẫn kỹ thuật trồng loại tre lục trúc có giá trị cao, vợ chồng chị Ksor H’Bên với diện tích 1ha, tiền mua cây giống và chi phí chăm sóc chỉ vào khoảng 100 triệu đồng. Hiện nay, mô hình của vợ chồng chị Ksor H’Bên được mở rộng trên diện tích 2ha, kết hợp giữa vừa trồng lấy măng, vừa xuất giống ra thị trường.
Theo anh Nay Y Na, đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, mỗi ngày, vườn tre lục trúc của vợ chồng chị Ksor H’Bên cho thu hoạch từ khoảng 20kg măng. Mỗi cây có thể cho tới 7 đến 10 cây giống từ chiết cành. Mỗi cây giống có giá bán từ khoảng 70.000 đến 100.000 đồng. Đối với măng thành phẩm, giá bán khoảng 50.000 đồng/kg măng tươi chưa bóc, 70.000 - 80.000 đồng/kg măng tươi đã bóc. Mỗi ha cho thu hoạch 5 - 7 tấn/năm, cho lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ mô hình này, vợ chồng chị Ksor H’Bên cũng tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động.
Không cam chịu để vùng đất mình sinh sống “khát nước”, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, cộng đồng dân tộc người Dao ở thôn Chư BLôi, xã Ea Bar đã quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và sản xuất của người dân bằng sự ra đời của nhiều vườn cây ăn trái như bơ, sầu riêng xanh tốt. Vào làng, nhiều căn nhà ngói mới đang được xây dựng. Ông Bàn Nguyên An, người có uy tín của cộng đồng làng Dao ở thôn Chư Blôi cho biết: “Chính quyền địa phương cũng đã có những định hướng trong phát triển cây trồng, vật nuôi ở khu vực này. Với nỗ lực của mỗi gia đình, từ chỗ làng có 40 hộ nghèo và cận nghèo, đến nay, đã có 20 hộ thoát nghèo”. Với mức thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm từ sản xuất nông nghiệp đã giúp gia đình ông An có cuộc sống ấm no. Hiện, gia đình ông Bàn Nguyên An có 7,4ha đất sản xuất, trong đó có 5ha cao su, 2ha trồng rau màu và 0,4ha lúa nước.
Tương tự, vườn sầu riêng 150 cây của Ma Đuông (tại buôn Chung, xã Ea Bar) luôn tươi tốt. Hơn 6 năm trước, Ma Đuông được cán bộ xã tuyên truyền về chủ trương phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả của huyện và mạnh dạn tham gia. Nhận hỗ trợ giống cây chất lượng, cùng sự chăm sóc tỉ mỉ, sầu riêng nay đã kết trái, mở ra triển vọng lớn với gia đình Ma Đuông cũng như tư duy phát triển kinh tế người dân địa phương. Cũng như thế, Ksor Đhăng (buôn Bá, xã Ea Bar) từng là hộ nghèo trong buôn. Nhờ tích cực tham gia các hoạt đội của hội đoàn thể, vợ chồng Ksor Đhăng được mời tham gia các lớp tập huấn mở mang kiến thức, được học tập kinh nghiệm thực tế, từ đó tự tin bứt phá, vượt lên những phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu, chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi có chất lượng, mang lại hiệu quả cao hơn như nuôi bò lai, dê hay trồng mì cao sản với thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.
Không chỉ hộ nghèo, các hộ mới thoát nghèo cũng là đối tượng được quan tâm, giúp đỡ không để tái nghèo như trường hợp gia đình chị Nông Thị Tuyền. Trước đây, với rẫy sắn cằn cỗi, hiệu quả thấp, nhưng 2 năm nay, gia đình chị trồng mắc ca đã cho thu hoạch ổn định. Chị Nông Thị Tuyền cho biết: “Sau khi chúng tôi trồng 300 cây mắc ca, thu nhập 1 năm gần 100 triệu đồng, đạt trên 2 tấn. Từ khi gia đình tôi cũng như các gia đình ở trong thôn chuyển sang cây mắc ca thì cảm thấy hiệu quả kinh tế cao hơn”. Sự nỗ lực của các cấp chính quyền, cùng những gương điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu như vợ chồng Ksor Dhăng, vợ chồng chị Ksor H’Bên, cộng đồng làng Dao ở thôn Chư Blôi... là những yếu tố tạo động lực thúc đẩy phong trào xóa đói, giảm nghèo ở địa phương ngày càng hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Nỗ lực từ miền núi
Để thực hiện mục tiêu trên, những năm gần đây, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã được huyện Sông Hinh triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng giúp đồng bào DTTS trên địa bàn huyện thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện cuộc sống. Trong đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình 1719 với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Tiểu dự án 1 - Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình trong 3 năm (2022, 2023 và 2024) đạt hơn 148 tỷ đồng.
Qua đó, đã đầu tư xây dựng 8 công trình đường giao thông, điện, rãnh thoát nước ở các khu bố trí dân cư xen ghép ở các xã, 4 công trình nước tập trung, 20 công trình đường giao thông, trường học, sân vận động, thiết chế văn hóa tập trung ở các xã vùng đồng bào DTTS. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động cho con em vùng DTTS và miền núi luôn được quan tâm và hàng năm được ưu tiên nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng.
Cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế, trong thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Sông Hinh còn phối hợp và triển khai thực hiện một số đề án, chương trình, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhờ đó, một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Nhờ hưởng lợi từ các chính sách và các chương trình mục tiêu quốc gia, diện mạo xã vùng sâu, vùng xa ở Sông Hinh đã đổi thay. Hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ. Cuối năm 2023, số hộ nghèo DTTS còn 738 hộ, chiếm tỷ lệ 77,93% hộ nghèo (giảm 854 hộ so với năm 2019). Thu nhập bình quân trong vùng đồng bào DTTS 6 tháng đầu năm 2024 đạt 41,3 triệu đồng/người/năm; 98% hộ gia đình đảm bảo đủ nước sinh hoạt, 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao.
Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên khẳng định: "Thời gian qua, chính quyền các cấp đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân trên địa bàn tận dụng tối đa các điều kiện về đất đai, khí hậu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, các chương trình, chính sách dân tộc đã hỗ trợ rất nhiều cho các hộ đồng bào DTTS và các hộ nghèo. Trong những năm qua, huyện luôn chú trọng việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào DTTS. Thực tế, thời gian qua, bà con được quan tâm phát triển kinh tế nên rất phấn khởi tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương".