Triển khai ngay các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại do Covid-19

Ngày 3-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2-2020, thảo luận về các giải pháp cấp bách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trong bối cảnh vẫn phải chống dịch Covid-19.

Nhiều chỉ số kinh tế giảm so với cùng kỳ

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 2 và hai tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định kinh tế vĩ mô so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, về cơ bản kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định.

Xuất khẩu vẫn tăng trưởng, nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực FDI tăng 0,9% và trong nước tăng 6%. Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, dịch bệnh dần được kiểm soát (đàn gia cầm tăng 13,8%, đàn bò tăng 2,4%; diện tích rừng trồng tăng 1,3%; khai thác gỗ tăng 3,6%; sản lượng thủy sản tăng 2,7%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2-2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; IIP của hai tháng năm 2020 ước tăng 6,2%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: THỐNG NHẤT

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: THỐNG NHẤT

Tuy nhiên, đáng lo ngại là nhiều chỉ số kinh tế giảm so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện giảm 5%; vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 9,3%); vận tải hành khách tăng 3,8% (cùng kỳ tăng 10,2%). Khách quốc tế tăng 4,8%, mức tăng thấp nhất của hai tháng các năm 2016-2020. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2020 giảm 0,17% so với tháng 1-2020 nhưng CPI tháng 2 lại tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước và bình quân hai tháng đầu năm 2020 tăng 5,91% so với cùng kỳ; mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.

Một số ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và thời tiết. Khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19; đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2-2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt, giảm 49,8% so với tháng trước, giảm 35,8% so với cùng kỳ.

Quân đội đã tiên phong trong phòng, chống dịch bệnh

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận các giải pháp bảo đảm thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển KT-XH. Các ý kiến cho rằng do dịch Covid-19, tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều bị ảnh hưởng. Doanh thu hàng không toàn cầu được dự báo là thiệt hại khoảng 30 tỷ USD; du lịch toàn cầu thiệt hại khoảng 80 tỷ USD. Tâm lý bi quan khiến tất cả thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh. USD tăng giá mạnh (đã tăng 4% kể từ đầu năm); giá vàng tăng cao nhất trong 7 năm qua; giá dầu thế giới đã giảm thấp, có thời điểm xuống dưới 50USD/thùng. Đối với Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 có tác động trước hết đến hàng không, du lịch, dịch vụ, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất do thiếu nguyên liệu.

Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, về phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta đã “chống dịch như chống giặc” với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị đã cho kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhìn nhận, không thể chủ quan trong tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới hiện nay. Bộ Quốc phòng đã tập huấn quân y toàn quân, thành lập 7 bệnh viện dã chiến để sẵn sàng chữa trị cho khoảng 2.800 bệnh nhân Covid-19, cùng với đó tổ chức các tổ đội quân y cơ động. Quân đội đã lập 68 địa điểm để đón tiếp người từ vùng dịch ở nước ngoài về thực hiện cách ly, trong đó có 59 điểm đã có người, với số lượng xấp xỉ 10.000 người. Bộ đội Biên phòng tổ chức gần 400 tổ công tác với 2.500 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với công an, hải quan quản lý chặt cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở biên giới. Bộ Quốc phòng cũng đã tạm hoãn tất cả các hội nghị, thay bằng hội nghị trực tuyến. Trong đợt tuyển quân vừa qua, bộ đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, tất cả chiến sĩ mới đều bảo đảm sức khỏe.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, quân đội đã xác định vai trò tiên phong đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngày hôm nay (4-3) sẽ có cuộc tổng diễn tập toàn quân trong phòng, chống dịch Covid-19.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các cấp, các ngành, LLVT nhân dân, đặc biệt là ngành y tế, các “chiến sĩ áo trắng” đã quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra, đạt được kết quả khả quan bước đầu trong phòng, chống dịch. Thủ tướng nhấn mạnh, trong những tình huống dịch bệnh như thế này thì vai trò của quân đội là rất quan trọng. “Hình ảnh bộ đội mua ti vi, mang đồ ăn, thức uống cho người cách ly một cách ân cần, chu đáo, rất cảm động. Qua việc này, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ càng sáng đẹp trong lòng nhân dân”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng, chống dịch đã đề ra; tiếp tục theo dõi đề ra biện pháp mới để Việt Nam là đất nước an toàn với dịch bệnh này.

Về thực hiện mục tiêu KT-XH, Thủ tướng đánh giá trong bối cảnh khó khăn về dịch bệnh, thiên tai thì kết quả đạt được vừa qua là rất lớn, thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý nhiều ngành, lĩnh vực khó khăn cần có giải pháp tháo gỡ. Tinh thần chỉ đạo là cần hết sức thận trọng nhưng không bi quan, trên cơ sở phân tích tình hình, xem xét để có giải pháp kịp thời, phù hợp. Huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhân dân, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch, vừa hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Hai gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa tổng trị giá khoảng 280.000 tỷ đồng

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, tiếp thu sửa đổi trình Chính phủ ban hành chỉ thị về tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, đối phó với dịch Covid-19. Các giải pháp cần cụ thể, triển khai ngay, đặc biệt nhấn mạnh chính sách tiền tệ, tài khóa. Đối tượng trước hết cần được hỗ trợ là du lịch, hàng không, xuất nhập khẩu... Thủ tướng lưu ý đây là hỗ trợ do doanh nghiệp bị thiệt hại vì dịch bệnh chứ không phải bao cấp cho sự yếu kém. Theo đó, các ngân hàng thương mại đã cam kết sẽ hỗ trợ tín dụng với tổng trị giá 250.000 tỷ đồng lãi suất thấp và một gói hỗ trợ từ tài khóa để hoãn, giãn thuế, phí, lệ phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Các gói hỗ trợ này phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, cấm tư tưởng xin-cho, không minh bạch. Chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay kích thích kinh tế nhưng Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chuẩn bị sẵn các kịch bản khi cần, không để bị động, bất ngờ. Tất cả các bộ, ngành, địa phương liên quan đều phải có phương án đối phó, thúc đẩy, nâng cao năng lực phân tích dự báo những biến động bên ngoài, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để kiểm soát giá cả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm dồi dào thịt lợn hơi để kéo giá thịt lợn xuống. Giảm ngay giá xăng dầu theo thế giới, không tăng giá điện và dịch vụ công, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá.

Thúc đẩy giải ngân 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Thủ tướng yêu cầu tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA. Với khoảng 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, đây sẽ là kênh quan trọng góp phần cho tăng trưởng. Hai tháng qua, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chỉ đạt khoảng 7,38% kế hoạch năm, còn 6 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương chưa phân bổ hết vốn kế hoạch. Bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xã hội, năm ngoái chiếm 34% GDP thì năm nay con số này phải cao hơn.

Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý, không được chậm trễ; tháo gỡ những ách tắc ở các dự án dầu khí, điện lực. Các bộ, ngành thực hiện cơ chế hậu kiểm, ưu đãi từng dự án, có kế hoạch thu hút nguồn vốn đầu tư FDI đang chuyển hướng, nhất là từ các tập đoàn lớn của thế giới vào Việt Nam.

Về du lịch, dịch vụ, Thủ tướng đề nghị các bộ: Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, có biện pháp hỗ trợ giảm chi phí vận chuyển. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tạm dừng cấp phép lao động cho người nước ngoài đến từ vùng có dịch. Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương hướng dẫn cho học sinh đi học trở lại, bảo đảm an toàn, khử trùng lớp học, tăng cường các biện pháp chống dịch. Ngành ngoại giao thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở vùng có dịch Covid-19. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các trường hợp phao tin đồn nhảm.

QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/trien-khai-ngay-cac-goi-ho-tro-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-bi-thiet-hai-do-covid-19-611395