Triển khai thi hành Luật Căn cước

Vừa qua, ngày 14/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định số 175/QĐ-TTg Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước. Đáng chú ý, các giải pháp về về công nghệ, phương tiện, đầu tư trang thiết bị thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói để tích hợp vào thẻ căn cước được Bộ Công An đề xuất theo yêu cầu của Thủ tướng.

Trong quyết định này, Thủ tướng yêu cầu xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Căn cước, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Căn cước trên phạm vi cả nước; nâng cao nhận thức về Luật Căn cước và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thi hành Luật. "Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm, vai trò chủ trì của Bộ Công an trong việc phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Căn cước", Thủ tướng yêu cầu.

Mẫu Căn cước công dân cũ

Mẫu Căn cước công dân cũ

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu thu thập, khai thác, sử dụng thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói theo quy định của Luật; mở rộng việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước. Cùng với đó, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; đề xuất các giải pháp về công nghệ, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hệ thống lưu trữ, xử lý để triển khai thu nhận mống mắt; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, căn cước điện tử và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương kịp thời phản ánh về Bộ Công an để tổng hợp, hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Bộ Công an mới đây đã đề xuất mẫu căn cước mới để thực hiện Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7/2024. Trong đó, có mẫu dành cho người từ 0-6 tuổi và từ 6 tuổi trở lên.

Về kích thước, hình dáng căn cước, theo dự thảo thông tư cơ bản giống như căn cước công dân hiện nay. Tuy nhiên, nhiều thông tin thể hiện trên mặt thẻ sẽ có thay đổi theo quy định của Luật Căn cước mới.

Cụ thể, dòng chữ căn cước công dân đổi thành căn cước. Ngoài ra ở mặt trước sẽ có một số thay đổi như số chuyển thành số định danh cá nhân.

Mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú" và chuyển về mặt sau của căn cước thay vì mặt trước như hiện nay.

Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ "cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, xã hội" thành "Bộ Công an".

Ngoài ra, như quy định tại Luật Căn cước mới thì thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải không còn thể hiện trên căn cước. Tương tự, mã QR code cũng được chuyển sang mặt sau của thẻ, thay vì mặt trước như hiện nay.

Thông tin trong mã QR code bao gồm họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân của chủ hộ, cha, mẹ, vợ, chồng, con; số chứng minh nhân dân 9 số (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có)...

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/trien-khai-thi-hanh-luat-can-cuoc-220134.htm