Triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội.

Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 27/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến là quy trình cấp giấy phép xây dựng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy phép còn dài; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, không đúng giấy phép... còn diễn ra tràn lan, phổ biến.

Luật Xây dựng đã thực thi được 4 năm, bên cạnh những kết quả đạt được cũng bộc lộ nhiều hạn chế, Chính phủ có Tờ trình xin Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 cho ý kiến lần đầu. Một điểm đáng chú ý trong dự án Luật trình Quốc hội lần này là bổ sung quy định về quản lý trật tự xây dựng.

Dự thảo Luật quy định việc thi công xây dựng công trình phải phù hợp quy hoạch xây dựng, tuân thủ thiết kế xây dựng, giấy phép được cấp (nếu có) và phải được quản lý để bảo đảm trật tự xây dựng. Cơ quan quản lý trật tự xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, theo phân cấp có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các nội dung theo quy định.

Theo nhiều đại biểu, Luật Xây dựng hiện hành về cơ bản đã có các quy định về quản lý trật tự xây dựng. Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng không chỉ liên quan đến giấy phép xây dựng mà còn liên quan đến pháp luật về quy hoạch, kiến trúc,... cũng như gắn với yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng đời sống người dân về văn hóa, du lịch, tín ngưỡng...

Liên quan đến quy hoạch xây dựng, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định về vấn đề này để đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch, các luật được sửa đổi theo Luật Quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất, định hướng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống do quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng chậm hoặc không thực hiện được trong thời gian dài; trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch...

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân, của Tòa án Nhân dân và công tác thi hành án, với 92,75% số đại biểu tán thành. Nghị quyết nêu rõ, trong những năm qua, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, vi phạm hành chính, giải quyết các tranh chấp, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của các nghị quyết của Quốc hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày Quốc hội thông qua.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, với 81,16% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Trước khi biểu quyết toàn bộ Nghị quyết, các đại biểu đã thông qua Điều 1 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội với tỷ lệ 84,89% đại biểu có mặt tán thành.

Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã được trình bày tại Quốc hội, sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết, kết quả như sau: có 457 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,62%), trong đó, có 457 đại biểu tán thành (bằng 94,62%).

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018, với 92,96% đại biểu tán thành. Nghị quyết nêu rõ, trong công tác phòng cháy và chữa cháy, lấy phòng ngừa là chính; tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy sâu rộng, với phương châm “bốn tại chỗ," nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành. Nghiên cứu việc thí điểm giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở phù hợp với quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và pháp luật có liên quan…

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, với 92,34% đại biểu tán thành. Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội ghi nhận các kết quả đạt được và giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, với 87,16% đại biểu tán thành. Theo Nghị quyết, Quốc hội đã hoàn thành chương trình Kỳ họp thứ 8 với các nội dung được xem xét, quyết định gồm: Thông qua 11 luật, bộ luật: Bộ luật Lao động; Luật Chứng khoán; Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...

Quốc hội chưa thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2020).

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua 17 nghị quyết; cho ý kiến về 10 dự án Luật: xem xét các báo cáo: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2019 và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan.

Quốc hội cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020

Bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tiếp theo.

Đây cũng là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng như: Tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Đây cũng là năm chúng ta bắt đầu vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, Chủ tịch Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41...

Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mới có thể bảo đảm hoàn thành tốt một khối lượng công việc lớn và những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2020.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc. (Ảnh: TTXVN)

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri và nhân dân để có giải pháp thiết thực hơn nhằm tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý cũng như bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp sau. Đồng thời, cần chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ để bảo đảm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, tổ chức thành công các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, đạt nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ, các cơ quan hữu quan và hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của người đại biểu nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/trien-khai-thuc-hien-cac-luat-nghi-quyet-da-duoc-quoc-hoi-thong-qua/609930.vnp