Triển khai thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Tỉnh Quảng Bình có 2 DTTS chính là dân tộc Bru-Vân Kiều (gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì) và dân tộc Chứt (gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng), với 5.607 hộ (chiếm khoảng 2,3% dân số của tỉnh). Ngoài ra, có các DTTS: Thổ, Mường, Tày, Thái, Pa Cô... Đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu tại 15 xã và 3 bản trên địa bàn các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Bình có sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, phát huy vai trò, tính chủ động, tham gia thực hiện của chính quyền địa phương, sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng và Nhân dân.

 Nhà mẫu ở nội dung hỗ trợ nhà ở trong Dự án 1, Chương Trình MTQG 1719 được UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) xây dựng trong khuân viên UBND xã Thượng Trạch - Nguồn: baodantoc.vn

Nhà mẫu ở nội dung hỗ trợ nhà ở trong Dự án 1, Chương Trình MTQG 1719 được UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) xây dựng trong khuân viên UBND xã Thượng Trạch - Nguồn: baodantoc.vn

Hiện, tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm 8,05%/năm (chỉ tiêu kế hoạch giảm trên 4,5%/năm). Tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ nhà ở cho 206 hộ; hỗ trợ đất ở cho 02 hộ; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 16 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 348 hộ; hỗ trợ cho vay làm nhà ở 88 hộ; vay chuyển đổi nghề 122 hộ.

Trong quá trình triển khai Dự án 1, một số địa phương đã triển khai tích cực và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ, giúp đồng bào DTTS và miền núi ổn định đời sống,

Huyện Bố Trạch (có 2 xã là Thượng Trạch và Tân Trạch thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025), để giúp dân làm nhà, ngoài nguồn hỗ trợ của Trung ương 40 triệu đồng/hộ, tỉnh Quảng Bình và huyện Bố Trạch sử dụng vốn đối ứng hỗ trợ thêm 64 triệu đồng/1 hộ dân để các hộ có đủ kinh phí làm nhà vững chãi, khang trang. Huyện đã làm nhà sàn mẫu theo phong tục địa phương rộng 34 m2 (có dạng hình chữ nhật kích thước 6,4m x 5,3m), đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” để người dân tham khảo. Nhà có sàn cao 1,8m, bên dưới sàn nhà, huyện vận động người dân bê tông hóa để có thêm không gian sinh hoạt và bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường.

Tại 2 bản là bản Rào Con (thị trấn Phong Nha) và bản Khe Ngát (thị trấn Nông trường Việt Trung) là bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đến cuối năm 2023, tổng số hộ đồng bào DTTS và miền núi toàn huyện Bố Trạch có 949 hộ (4.190 nhân khẩu), có 2 dân tộc chủ yếu là dân tộc Chứt và Bru - Vân kiều.

Trong đó có 842 hộ dân tộc Bru Vân Kiều; 66 hộ dân tộc Chứt; 5 hộ dân tộc Mường; còn lại các dân tộc khác như Khùa, Trì, Sách, Mường, Thái. Triển khai thực hiện Dự án 1, Chương trình toàn huyện Bố Trạch có 276 hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở. Trong đó, xã Thượng Trạch có 170 hộ; xã Tân Trạch có 14 hộ; bản Khe Ngát (thị trấn Nông Trường Việt Trung) 56 hộ; bản Rào Con (thị trấn Phong Nha) 36 hộ. Theo kế hoạch giai đoạn 2023-2024, toàn huyện Bố Trạch triển khai xây dựng 50 hộ gia đình. Mẫu nhà ở cho đồng bào được hỗ trợ tại Dự án 1 đã được chọn và xây mẫu xong.

Từ nhà mẫu, cơ quan chức năng và người dân biết chính xác kinh phí xây dựng nhà; loại vật liệu sử dụng phù hợp; số ngày công xây dựng… từ đó đưa ra kế hoạch triển khai đồng loạt để đồng bào làm theo. Hiện nay, tại xã Thượng Trạch (xã vùng III, xã đặc biệt khó khăn, 100% dân số là người dân Bru - Vân Kiều, địa hình chia cắt, hiểm trở, đời sống kinh tế - xã hội chưa phát triển) đã cấp đủ nguồn xây dựng và đang đồng loạt triển khai xây dựng 26 nhà theo kế hoạch.

Huyện Lệ Thủy có 3 xã miền núi là Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy, sinh sống tập trung tại 24 thôn, bản, với 9.171 nhân khẩu, trong đó có hơn 1.000 hộ nghèo, 257 hộ cận nghèo. Người dân nơi đây chủ yếu thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều. Triển khai Dự án 1, huyện tiến hành rà soát, phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt với nguồn vốn phân bổ là hơn 12,4 tỷ đồng. Đến nay, huyện Lệ Thủy đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 92 hộ DTTS (xã Kim Thủy 55 hộ, xã Ngân Thủy 22 hộ và xã Lâm Thủy 15 hộ).

Đặc biệt, tại bản Khe Khế (xã Kim Thủy, Lệ Thủy), Ủy ban Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng 41 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở do ảnh hưởng của thiên tai với tổng kinh phí trên 2,9 tỷ đồng. Trong đó nguồn hỗ trợ của Ban Cứu trợ tỉnh Quảng Bình là 2,05 tỷ đồng. Có 5 hộ ở bản Khe Khế được hỗ trợ thêm (mỗi hộ 40 triệu đồng) từ nguồn hỗ trợ của Chương trình với số tiền 200 triệu đồng. Ngoài ra, từ nguồn vốn tự có, tiết kiệm được của các gia đình đã cùng chung sức xây nhà, ước tính khoảng 650 triệu đồng. Sau thời gian triển khai xây dựng, 41 ngôi nhà Đại đoàn kết ở bản Khe Khế đã hoàn thiện và bàn giao để sử dụng ngày 19/7/2024. Mỗi ngôi nhà được xây dựng kiên cố với tường xây, cửa nhôm kính, mái lợp tôn xốp, diện tích từ 50 đến 80m2 với số tiền khoảng 180 triệu đồng.

Huyện Minh Hóa có 02 DTTS chính là Bru Vân Kiều, Chứt và một số DTTS khác (Mường, Thổ, Tày, Mông, Pa Cô, Tà Ôi, Khmer, Nùng, Gia rai, Hrê, Ba Na, Xơ Đăng, Thái, Cơ Ho, Ê đê) cùng định cư trên địa bàn với khoảng 23,2% dân số toàn huyện. Đồng bào DTTS sống tập trung chủ yếu tại 42 thôn, bản của 04 xã biên giới. Tính lũy kế từ năm 2022 đến nay, Minh Hóa đã được phân bổ 349.667 triệu đồng để thực hiện 10 Dự án của Chương trình. Trong đó, huyện Minh Hóa đã làm được 180 ngôi nhà để bàn giao cho các hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1 (theo khảo sát có 428 hộ đồng bào DTTS có nhu cầu xây dựng nhà ở). Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã tạo điều kiện cho 60 hộ vay hỗ trợ nhà ở, với kinh phí 2,76 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Bình đạt được những kết quả trên nhờ có sự quan tâm của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Mặt trận các cấp và các đoàn thể cùng chăm lo, giúp đỡ cho các hộ nghèo, đồng bào DTTS, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn an cư lạc nghiệp, tạo sinh kế, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, giảm nghèo bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng..., giúp diện mạo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đổi thay tốt đẹp hơn. Từ đó, tạo tiền đề cho bước phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì Quảng Bình là một tỉnh còn khó khăn, ngân sách phụ thuộc vào hỗ trợ từ trung ương. Do đó nguồn lực đầu tư còn ít, chưa thể đáp ứng được các nhu cầu đầu tư rất lớn của vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn. Với mức hỗ trợ 44 triệu đồng/hộ (nguồn Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng và tỉnh đối ứng thêm 4 triệu đồng) là quá thấp, không đủ chi phí để xây dựng một ngôi nhà bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung, tường cứng và mái cứng) và đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ dân tộc có khó khăn đặc thù nên cơ bản không có đủ tiền (kinh phí đối ứng) bù thêm phần thiếu hụt để hoàn thiện ngôi nhà. Còn với mức hỗ trợ 44 triệu đồng/hộ để tạo quỹ đất ở là cao hơn nhu cầu thực tế ở một số địa phương, nghĩa là chưa dùng hết số tiền hỗ trợ, nhưng số tiền thừa không được chuyển sang nội dung khác hoặc chưa có hướng dẫn về việc này. Nguyện vọng của địa phương muốn được lồng ghép nguồn vốn của 2 nội dung hỗ trợ đất ở và hỗ trợ nhà ở để dùng phần tiền thừa khi mua đất ở bù sang phần thiếu hụt khi làm nhà ở.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương thuộc các huyện miền núi của tỉnh, giao thông đi lại rất khó khăn, các chi phí nhân công, vật liệu xây dựng đều cao hơn vùng đồng bằng khoảng 1,5 lần. Việc di chuyển nhà với đồng bào DTTS cũng gặp khó khăn, bởi quy định chỉ hỗ trợ tiền vận chuyển tính theo km, còn tiền tháo dỡ, bốc xếp, dựng lên là không có hỗ trợ. Trong khi chi phí này hiện tại các xã miền núi đều phải thuê. Trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nên không thể huy động nguồn lực từ cộng đồng để xã hội hóa đầu tư. Vì vậy, hiện nay nhiều địa phương đang tìm nguồn vốn đối ứng xây dựng nhà ở cho người dân.

Trong thời gian tới, cơ quan các cấp chính quyền địa bàn tỉnh tập trung triển khai xây dựng kế hoạch, kiểm tra, giám sát, đánh giá, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch và tích cực, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, từ đó kịp thời giải quyết các vướng mắc đảm bảo tiến độ cho các địa phương; chấn chỉnh, xử lý kịp thời những yếu kém, sai phạm trong việc triển khai thực hiện.

Tăng cường phân cấp, trao quyền cho các địa phương trong thực hiện Chương trình; thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia đầy đủ của người dân. Người dân được tham gia và quyết định trong lập kế hoạch, lựa chọn đối tượng được hưởng lợi, tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá; có biện pháp thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương.

Đồng thời tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đổi mới tư duy, hành động quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, chống lãng phí thất thoát. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về mục tiêu, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh để thực hiện hiệu quả Dự án 1 của Chương trình.

Diễm Hồng

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/trien-khai-thuc-hien-du-an-1-thuoc-chuong-trinh-mtqg-1719-tren-dia-ban-tinh-quang-binh-58535.html