Triển lãm 'Ngày về' - những ngả đường riêng trong nghệ thuật

Triển lãm 'Ngày về' giới thiệu những con đường nghệ thuật của các họa sĩ vừa khai mạc tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam (số 66, Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Đây là lần đầu tiên triển lãm được tổ chức với sự tham gia của 7 họa sĩ, nhà điêu khắc: Phạm Hà Hải, Trần Mạnh Hùng, Trần Ngọc Hưng, Lê Quốc Huy, Nguyễn Ánh Nguyệt, Nguyễn Khắc Quân, Nguyễn Xuân Tiệp. Triển lãm sẽ được trưng bày từ nay đến hết Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Họa sĩ Phạm Hà Hải (1974) là người có tư duy mạch lạc trong cấu trúc bố cục, hình thể; thường rất giỏi ở khả năng làm chủ định lượng cái nhìn thị giác. Với kỹ năng và một bút pháp điêu luyện tác phẩm luôn tạo ấn tượng đẹp, hấp dẫn. Để đi đường xa, họa sỹ cần phát triển nội lực tự thân.

Một tác phẩm tranh sơn mài được trưng bày tại triển lãm

Trần Mạnh Hùng (1977): Tác phẩm có cái nhìn hướng nội giàu âm hưởng hoài vọng về những giá trị bền vững của con người; thiên nhiên. Phương pháp diễn hình, bố cục chú trọng tìm đến sự chắt lọc cô đọng đan quyện vào không gian phiêu lãng.

Trần Ngọc Hưng (1983): Tác phẩm thường phủ đầy hình thể, mô-tuýp trên bề mặt với cách chồng chéo dầy đặc các lớp màu, đường nét. Ở một bên thì muốn thỏa mãn xúc cảm đang tuôn trào, ngược lại phía bên kia lại muốn xóa bỏ sự ràng buộc lý trí. Điểm mạnh của họa sỹ là biết gìn giữ sắc thái cá nhân.

Lê Quốc Huy (1968): Họa sỹ đang tìm hướng đi cho mình với nhiều thử nghiệm mang yếu tố tích cực khi sắp đặt đối tượng mô-tuýp theo dạng liên kết mạng, nhiều lớp, từ đó gợi mở một cấu trúc ngôn ngữ mới. Song, để đạt được hiệu quả thì việc nuôi dưỡng và phát triển nôi lực là điều quan trọng nhất.

Nguyễn Ánh Nguyệt (1960): Tác phẩm diễn tả chủ yếu xoay quanh đời sống thường nhật ở làng – ngoại thành Hà Nội với sự chân thực mộc mạc. Họa sỹ thường chú tâm đến việc biểu đạt tình cảm hơn là quan tâm tới hình thức biểu hiện, vì thế tính nhân bản luôn được đặt lên hàng đầu.

Nguyễn Khắc Quân (1962): Họa sỹ là người đã định hình phong cách nghệ thuật. Tác phẩm ẩn chứa nỗi niềm suy tư, những nghịch lý mâu thuẫn về đời người - xã hội cùng sự phản kháng với cái ác. Cách nhìn thường trực diện, đau đáu với một tinh thần quyết liệt luôn tràn sức sống biểu cảm.

Nguyễn Xuân Tiệp (1956): Đã đi và trở lại có hệ thống với mạch sáng tác theo khuynh hướng nghệ thuật Biểu hiện.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trải qua năm tháng được các thế hệ tiền bối và lớp đàn anh tạo dựng xứng đáng là ngôi đền của Mỹ thuật. Họ vừa là người đặt nền móng xây nên bảo tàng, lại là những người góp phần làm nên nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam với uy tín của những nghệ sĩ thành danh, đậm dấu ấn cá nhân như: Nguyễn Đỗ Cung, Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Y …và Nguyễn Văn Chung, Cao Trọng Thiềm, Trần Nguyên Đán, Tạ Quạng Bạo, Nguyễn Tấn Cứ, Nguyễn Trọng Đoan, Trần Tuy, Đặng Thế Minh, Nguyễn Xuân Cường, Nguyễn Bảo Toàn…

Triển lãm “Ngày về” của nhóm họa sỹ bảo tàng như một lời tri ân và hy vọng là những người giữ lửa đồng thời tiếp nối khẳng định con đường nghệ thuật từ lớp những nghệ sỹ đàn anh.

T.Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/740275/trien-lam-ngay-ve---nhung-nga-duong-rieng-trong-nghe-thuat