Triển vọng phục hồi phân khúc nghỉ dưỡng

Từ cuối năm 2021 - đầu năm 2022, một số tín hiệu báo động sự khởi đầu cho một thời kỳ mới đã xuất hiện trên thị trường bất động sản Nam Trung bộ ở một số địa phương như Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam sau khoảng thời gian yên ắng do tác động của dịch Covid-19. Việc đón nhận nhiều yếu tố hỗ trợ cũng hứa hẹn mang đến nhiều triển vọng phục hồi cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương.

Dấu hiệu phục hồi

Theo ông Võ Hồng Thắng - Trưởng phòng R&D (Nghiên cứu và Phát triển) Công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam), năm 2021 thị trường bất động sản (BĐS) Huế - Đà Nẵng-Quảng Nam đã có những diễn biến nổi bật về nguồn cung, cụ thể là phân khúc đất nền do Quảng Nam dẫn đầu, phân khúc nhà phố/biệt thự do Thừa Thiên-Huế dẫn dắt, còn phân khúc căn hộ thì thuộc về TP. Đà Nẵng, với cả nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ sản phẩm mới tăng mạnh so với giai đoạn trước năm 2020. Trong khi đó, nguồn cung phân khúc BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục khan hiếm.

Dự báo thị trường BĐS Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam năm nay, ông Võ Hồng Thắng cho biết, đối với phân khúc đất nền, nguồn cung mới và sức cầu có thể tăng, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam trong khi Thừa Thiên-Huế và TP. Đà Nẵng tiếp tục duy trì sự khan hiếm. Sức cầu có sự hồi phục và mặt bằng giá thứ cấp tiếp tục giữ ổn định.

Đối với căn hộ, nguồn cung mới duy trì mức tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở TP. Đà Nẵng, trong khi Quảng Nam có thể tiếp tục thiếu vắng nguồn cung mới. Giá bán và thanh khoản thị trường thứ cấp có thể phục hồi khi các tỉnh, thành từng bước khôi phục kinh tế, hoạt động du lịch mở cửa trở lại.

Đối với phân khúc nhà phố/biệt thự, nguồn cung tương đương năm 2021. Thừa Thiên - Huế có thể tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới trong khi TP. Đà Nẵng tiếp tục khan hiếm. Những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông hỗ trợ gia tăng thanh khoản, giá bán thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, tuy nhiên vẫn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Riêng BĐS nghỉ dưỡng, nguồn cung mới có thể tăng so với năm 2021. TP. Đà Nẵng tiếp tục dẫn dắt nguồn cung mới ở hầu hết các loại hình, còn Thừa Thiên - Huế tiếp tục khan hiếm. Xu hướng dịch chuyển sang chương trình ủy thác cho thuê theo dạng chia sẻ lợi nhuận tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng…

‘‘Thị trường BĐS khu vực năm nay đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai, hoàn thiện sẽ tiếp tục “khép kín” cung đường du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Ngoài ra, việc dần mở lại các chuyến bay quốc tế cũng mang đến nhiều triển vọng phục hồi hơn cho BĐS nghỉ dưỡng tại các địa phương’’ - ông Võ Hồng Thắng nói.

Sức bật từ phục hồi kinh tế, cụm đô thị liên kết vùng

Về BĐS khu vực Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, có thể thấy đây là thị trường khá tiềm năng và chưa được khai phá nhiều nếu xét trên một loạt các yếu tố. Bởi, đây là khu vực hội tụ nhiều điều kiện tương đồng về địa lý, tiềm năng du lịch, hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội… có khả năng cộng hưởng giá trị, tạo ra động lực phát triển mới cho toàn khu vực với sự hình thành của cụm đô thị liên kết Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.

Trong đó, TP. Đà Nẵng được định vị là điểm đến của BĐS cao cấp và BĐS nghỉ dưỡng. Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, TP. Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng, phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển… Không chỉ là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng còn là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng sở hữu hệ thống BĐS nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Với định hướng quy hoạch này, dự báo thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ tiếp tục thu hút nhiều chủ đầu tư lớn đến triển khai các dự án cao cấp và hạng sang.

Về Quảng Nam, địa phương này đang cùng Đà Nẵng triển khai dự án khơi thông lòng sông Cổ Cò và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông kết nối các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ven biển và phố cổ Hội An… Đây là tuyến giao thông đường thủy và du lịch quan trọng nối liền TP. Đà Nẵng và Hội An. Do vậy, việc xây dựng thành phố ven sông Cổ Cò theo quy hoạch được xem là động lực kinh tế, kích thích sự phát triển cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Tính chất cộng hưởng qua lại của dự án này sẽ tạo sức bật kinh tế cho cả 2 thị trường.

Còn về Thừa Thiên - Huế, với định hướng đến năm 2025 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa đặc trưng, địa phương đã và đang đẩy mạnh đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, tập trung xây dựng bản đồ phát triển BĐS để thu hút đầu tư, đồng thời phát triển đồng bộ hệ thống giao thông liên vùng, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án kết nối trực tiếp đến Đà Nẵng và Hội An.

Theo TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc khuyến khích phát triển những dự án khu đô thị với hạ tầng hiện đại tại các vùng đất mới vừa đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai, vừa giúp giảm áp lực phát triển lên khu đô thị hiện hữu. Nhờ đó, vừa có thể tăng trưởng đô thị, vừa gián tiếp góp phần cho việc bảo tồn di sản Huế.

Hình thành cụm đô thị liên kết Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là tất yếu

Dưới góc nhìn liên kết vùng trong định hướng phát triển tiềm năng kinh tế, ghi nhận từ nhiều chuyên gia cho thấy, việc hình thành cụm đô thị liên kết Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là điều tất yếu. Với định hướng này, cả 3 đô thị sẽ cùng nhau nâng giá trị đóng góp cho kinh tế cả nước của vùng lên tầm cao mới, tương xứng với các tiềm năng phát triển. Nhìn chung, với nhiều yếu tố hỗ trợ, tính chất thị trường bất động sản khu vực Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đang bộc lộ sự thay đổi nâng tầm vị thế, sẵn sàng cho bước chuyển mình, đột phá trong thời gian sắp tới.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trien-vong-phuc-hoi-phan-khuc-nghi-duong-100849.html