Triển vọng sáng cho xuất khẩu gỗ sang EU

Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất tại thị trường EU nhờ mẫu mã và chất lượng liên tục được cải thiện. Xuất khẩu gỗ sang EU được dự báo nhiều triển vọng tích cực do những thuận lợi từ việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mang lại.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 8/2019 ước đạt 937 triệu USD, lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,66 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) - cho hay, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng tốt. Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất tại EU nhờ mẫu mã và chất lượng liên tục được cải thiện.

Xuất khẩu gỗ sang EU dự báo triển vọng tốt (nguồn Internet)

Xuất khẩu gỗ sang EU dự báo triển vọng tốt (nguồn Internet)

Theo báo cáo thị trường gỗ nhiệt đới tháng 7/2019, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất tại thị trường EU. Danh tiếng của đồ gỗ từ Việt Nam cũng dần được nâng cao do các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cung cấp các đơn hàng số lượng lớn ở phân khúc tầm trung.

Báo cáo Theo dõi thị trường của Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO) cũng chỉ ra rằng các nhà nhập khẩu thuộc EU đánh giá cao việc cải tiến về công nghệ đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Những cải tiến này vượt trội so với các quốc gia châu Á khác và ngày càng có khả năng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cao của thị trường EU.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang thị trường EU được dự báo có triển vọng tốt nhờ những thuận lợi mà việc thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT) và tiềm năng mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại.

Theo đó, Hiệp định VPA/FLEGT là một bước tiến mới đánh dấu khởi đầu việc Việt Nam và EU cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ không phải chịu trách nhiệm giải trình nguồn gốc xuất xứ gỗ khi đã được cấp giấy phép FLEGT. Hiệp định EVFTA với cam kết cắt giảm thuế quan mạnh mẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các phẩm gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh. Khoảng 83% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực; khoảng 17% còn lại (gồm ván dăm, ván sợi và gỗ dán…) sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 5 năm.

EU là hiện thị trường lớn thứ tư của đồ gỗ Việt Nam. Những năm gần đây, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này luôn chiếm tỷ trọng 13-17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ. Để tiếp tục duy trì kim ngạch xuất khẩu gỗ, Bộ NN&PTNT khuyến cáo, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần lưu ý, cho đến khi bắt đầu cấp phép FLEGT, gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sẽ tiếp tục phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc theo quy định của Quy chế gỗ của EU (EUTR). Do đó, cần đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống đảm bảo nguồn gốc xuất xứ gỗ và cấp chứng chỉ FLEGT cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần quan tâm chú trọng đầu tư, áp dụng tự động hóa trong sản xuất, áp dụng công nghệ quản lý mới, nâng cao chất lượng, tay nghề công nhân để giảm giá thành, tăng năng suất lao động để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường EU. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng thông qua việc tập trung nguồn lực thực hiện chuyên môn hóa, giảm chi phí giao dịch và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam:
Dự kiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU năm 2019 sẽ đạt trên 700 triệu USD, cao hơn con số 670 - 680 triệu USD năm 2018. Khi Hiệp định VPA/FLEGT và EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU kỳ vọng sẽ có sự bứt phá mạnh.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trien-vong-sang-cho-xuat-khau-go-sang-eu-124670.html