Triển vọng thị trường dầu mỏ khi nhu cầu tăng, nguồn cung hạn chế
Theo kết quả khảo sát mới được hãng tin Reuters công bố, xu hướng tăng của giá dầu trong năm nay sẽ tiếp tiếp diễn do nhu cầu mạnh mẽ và việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, còn gọi là OPEC+ hạn chế sản lượng sẽ tiếp tục thắt chặt nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.
Hãng tin Reuters tiến hành một cuộc khảo sát với 46 nhà kinh tế và nhà phân tích và họ đưa ra dự báo rằng giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 82,33 USD/thùng trong năm 2024, cao hơn so với dự báo 81,13 USD/thùng hồi tháng 2/2024. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ đã tăng lên 78,09 USD/thùng, vượt dự báo 76,54 USD/thùng vào tháng trước. Đây là lần điều chỉnh tăng đầu tiên trong dự báo của các chuyên gia cho năm 2024 kể từ khi thăm dò hồi tháng 10/2023.
Chuyên gia cao cấp Florian Grunberger tại công ty phân tích và dữ liệu Kpler có quan điểm rằng giá dầu khả năng sẽ tiếp tục tăng cho đến những tháng mùa Hè do các yếu tố rủi ro địa chính trị, lợi nhuận của các thành viên OPEC+, và nhu cầu của Trung Quốc ngày càng tăng mạnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá dầu đã tăng hơn 12% trong quý I/2024 do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào hoạt động vận tải trên Biển Đỏ và nguồn cung của Nga bị ảnh hưởng khi các nhà máy lọc dầu của nước này bị tấn công.
Về nhu cầu dầu mỏ, dự kiến chung của các chuyên gia gần như phù hợp với mức tăng 1,3 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2024 mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo. Tuy nhiên, dự báo của IEA kém lạc quan hơn nhiều so với dự báo nhu cầu tăng ở mức 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay của OPEC. Tổ chức này cũng cho biết nhu cầu dầu mỏ năm 2024 và 2025 của Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ có thể vượt mức kỳ vọng hiện tại.
Chuyên gia phân tích hàng đầu Matthew Sherwood tại Bộ phận phân tích, dự báo và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist, cho biết, thị trường đã thấy rõ ảnh hưởng của việc OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng vào thời điểm mà nhu cầu tăng mạnh hơn dự kiến. Các nguồn tin cũng cho rằng những thành viên của OPEC+ do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu khó có thể thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách sản lượng dầu mỏ cho đến khi diễn ra cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 6/2024.
Theo quan điểm của chuyên gia năng lượng cao cấp Suvro Sarkar tại DBS Bank, việc thuyết phục các quốc gia thành viên OPEC+ sản xuất dưới năng lực để duy trì giá dầu theo một mức nhất định sẽ không hề dễ dàng khi công suất dư thừa ngày càng tăng và OPEC+ sẽ để mất thị phần vào tay các nhà sản xuất không thuộc OPEC+ như Mỹ.