Triển vọng từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0
Sau khi nâng cấp, Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0 sẽ mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kết nối chuỗi cung ứng, năng lực cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, từ đó thúc đẩy thương mại, đầu tư và dịch vụ giữa hai bên có bước phát triển mới.
Đó là nhận định của ông Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Chuyên gia trưởng về hợp tác thương mại Trung Quốc-ASEAN, khi trao đổi với báo chí Trung Quốc chung quanh việc hai bên khởi động đàm phán khu vực thương mại tự do phiên bản 3.0 mới đây.
Theo đó, ACFTA phiên bản 3.0 là "trợ lực mới" cho sự phát triển kinh tế của cả Trung Quốc và ASEAN, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng quan hệ song phương chặt chẽ hơn, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong thực thi RCEP, phát huy vai trò đổi mới, thúc đẩy mở cửa và hợp tác khu vực RCEP, từ đó thu hút các công ty đa quốc gia đầu tư nhiều hơn vào khu vực thương mại tự do này.
Ông Hứa Ninh Ninh cho biết, ACFTA là khu vực thương mại tự do đầu tiên mà Trung Quốc cũng như ASEAN thiết lập với một đối tác bên ngoài, với mục tiêu lấy mở cửa thúc đẩy hợp tác, lấy hợp tác thúc đẩy phát triển.
Trong hơn 20 năm qua, việc xây dựng khu vực thương mại tự do đạt được những thành quả rõ nét, nhất là việc Trung Quốc duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ năm 2009, cũng như ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc từ năm 2020 đến nay.
Năm 2022, thương mại và đầu tư giữa hai bên vẫn tăng trưởng dù trong điều kiện không thuận lợi, tỷ trọng thương mại Trung Quốc-ASEAN trong tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc tăng lên, hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai toàn diện, góp phần thúc đẩy tiến trình phục hồi nền kinh tế.
Đánh giá về những thành quả xây dựng khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, ông Hứa Ninh Ninh cho rằng, lý do chủ yếu là Trung Quốc và các nước ASEAN không ngừng củng cố và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, lấy hợp tác chính trị để thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại. Ngoài ra, còn là động lực mới, sức sống mới của các chương trình, dự án hợp tác, nhất là kết nối trên các lĩnh vực, hợp tác kinh tế trong khuôn khổ các tiểu vùng, đi sâu hợp tác ngành nghề, đặc biệt là nỗ lực của doanh nghiệp trong việc khai thác các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do...
Chuyên gia Hứa Ninh Ninh khuyến cáo doanh nghiệp Trung Quốc và ASEAN cần tìm tòi, đổi mới ý tưởng kinh doanh, mô hình tổ chức, công nghệ sản xuất..., để đẩy nhanh tốc độ hợp tác trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực mở cửa thị trường; nắm bắt tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, để chiếm lĩnh ưu thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cho rằng quan hệ kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN chưa bao giờ gắn kết và sôi động như hiện nay, vị chuyên gia hàng đầu về thương mại cho biết, việc xây dựng khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0 nhất định sẽ thúc đẩy mối quan hệ này đi vào chiều sâu hơn nữa, tạo ra bước nhảy vọt mang tính lịch sử trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên, mang lại lợi ích cho các nền kinh tế trong khu vực.
Việc xây dựng khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN được khởi động từ năm 2000; đến năm 2010, phiên bản 1.0 chính thức ra đời sau 10 năm xây dựng, với hơn 90% mặt hàng chịu thuế của hai bên được hưởng thuế quan bằng 0 trong thương mại hàng hóa. ACFTA chính thức nâng cấp lên phiên bản 2.0 từ năm 2019.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc diễn ra tháng 11/2022, hai bên tuyên bố khởi động đàm phán nâng cấp ACFTA lên phiên bản 3.0. Ngày 7/2 vừa qua, vòng đám phán đầu tiên về ACFTA phiên bản 3.0 chính thức bắt đầu, các quan chức Trung Quốc và các nước ASEAN đã đi sâu thảo luận về trình tự, quy tắc, chương trình tiến hành đàm phán và kế hoạch công tác, tiến tới đề ra thời gian biểu và lộ trình cho cả quá trình đàm phán sau này.