Triết lí nên biết từ tục ăn trầu của người Việt

Hình ảnh 'môi đỏ, răng đen' như một nét đẹp 'phải có' của các bà, các chị ăn trầu ngày xưa nay không còn tồn tại. Tuy nhiên, tục ăn trầu của người Việt có từ ngàn xưa thì mãi mãi còn. Nhiều người chỉ biết ăn trầu như một lẽ tự nhiên mà không hiểu vì sao lại có?

Trầu têm cánh phượng. Ảnh: minh họa

Trầu têm cánh phượng. Ảnh: minh họa

Có từ thời của người Việt cổ?

Sách “Văn hiến thông khảo” ra đời từ thế kỷ XIII chép: “Năm Thuần Hóa thứ nhất (900), vua Tống sai sứ sang tuyên phong cho Lê Hầu chức đặc tiến. Khi về sứ thần nhà Tống cáo thuật lại rằng: “… Lê Hàn cầm cương ngựa, cùng sứ giả đi cùng, rồi lấy trầu mời ở trên mình ngựa, đấy là phong tục mời khách rất quí…”. Có nghĩa là vào thời đó, miếng trầu đã trở thành một lễ nghi đãi khách đặc biệt của người Việt.

Còn trước đó, sách “Lĩnh ngoại đại đáp” của Chu Khử Phi, người đời Tống soạn vào thế kỷ XII cho rằng: “Từ Phúc Kiến, miền dưới Tứ Xuyên và miền Tây Quảng Đông, đều có tục ăn trầu…”, viên sứ thần Giao Chỉ cũng ăn trầu; hỏi vì có gì mà thích ăn trầu như vậy thì họ đáp rằng: “Trừ được lam chướng, hạ khí, tiêu thực, ăn lâu đã quen, nếu không ăn không chịu được, miệng lưỡi chua, và hôi lắm”.

Vậy tục ăn trầu của người Việt đã có từ bao giờ? Tương truyền rằng tục ăn trầu đã có từ thời vua Hùng. Truyện trầu cau của Trần Thế Pháp trong sách “Lĩnh nam chích giải” được biên soạn vào khoảng 1370-1400, tóm tắt như sau:

“Đời thượng cổ có một chàng tên là Quang Lang, trang mạo cao lớn, quốc vương cho họ là Cao. Cao sinh ra được hai người con, đặt tên là Tân và Lang. Lớn lên Tân, Lang theo học đạo sĩ họ Lưu, nhà họ Lưu có người con gái muốn lấy chồng, được cha mẹ gả cho người anh. Từ ngày có vợ, người anh đối với em không còn thân tình. Một hôm người em buồn tủi, bỏ nhà ra đi. Gặp con suối lớn không qua được. Người em vừa mệt vừa đói, chết liền hóa thành một cây cao, không cành’.

Người anh đi tìm em, đi đến bờ suối, thương nhớ em, chết thành một tảng đá bao quanh gốc cây. Người vợ đi tìm chồng cũng đến bờ suối, chết hóa thành cây leo vấn vít trên tảng đá. Đến lượt cha mẹ đi tìm con gái, con rể, đến bờ suối nghe dân trong vùng kể chuyện, cảm động lập đền thờ ba người.

Một hôm vua Hùng Vương đi tuần hành, nghỉ chân bên bờ suối, biết chuyện, vua bảo cận thần hái một trái cây, ngắt một lá dây leo, nhai thử thấy vị ngon, nhổ lên tảng đá thì thấy sắc đỏ tươi… vua bèn sai người lấy ba thứ ấy về, dạy dân lấy lửa nung đá cho xốp, cùng với trái cây, lá dây leo, cuộn chung lại mà ăn.

Vua truyền ban ra thiên hạ, phàm những lễ giá thú, hội đồng lớn nhỏ đều phải lấy những vật này làm trước, nước Nam có tục ăn trầu từ đó”.

Trầu trở thành một triết lý sống

Mời nhau ăn trầu là tục đẹp có từ xa xưa. Ảnh: minh họa

Mời nhau ăn trầu là tục đẹp có từ xa xưa. Ảnh: minh họa

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (thế kỷ XVII), người được cho là khai sinh chữ quốc ngữ cho biết “người Bắc có tục ăn trầu là thứ có lợi cho sức khỏe và có vị ngon, bao giờ họ cũng giắt vào thắt lưng một giỏ con hay một bao đầy trầu cau, ra đường gặp bạn bè thì mở ra, rồi sau khi chào nhau lễ phép, mọi người nhận lấy một miếng trầu têm sẵn của người kia mà ăn. Vì thế trong tỉnh kẻ nào hơi khá giả thì sai đầy tớ sửa sắm thứ quà nhỏ ấy, đem biếu lẫn nhau để tỏ tình thân mật; còn thường dân không có kẻ hầu têm sẵn ở nhà thì đã có tới năm vạn hàng bán trầu lẻ rải rác khắp kinh thành”.

Tục ăn trầu không chỉ riêng ở người Nam ta mới có. Nhưng có điều chắc chắn, khó vùng đất nào, đất nước nào mà miếng trầu lại mang nhiều ý nghĩa, thấm đượm nhiều triết lý như ở Việt Nam.

Từ miếng trầu tiếp khách Nguyễn Khuyến đã viết: “Đầu trò tiếp khách trầu không có”, đến miếng trầu gặp nhau trên đường hay ở một hàng quán.

“Gặp nhau ăn một miếng trầu

Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào

Miềng trầu đã nặng là bao,

Muốn cho đông liễu tây đào là hơn.

Miếng trầu kể hết nguồn cơn

Muốn xem đây đấy thiệt hơn thế nào”.

Rồi một miếng trầu tình tứ, ướm hỏi trong bài dân ca Kinh Bắc

“Trầu này trầu của em têm,

Anh xơi một miếng càng thêm mặn nồng

Trầu này, trầu tính, trầu tình

Ăn vào cho đỏ môi mình, môi ta”

“Ăn một miếng trầu, gặp đây ăn một miếng trầu,

Không ăn cầm lấy, không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng”.

Miếng trầu đã vượt lên khỏi cái thói tục hàng ngày, vượt lên khỏi một hình thức chăm sóc miệng để trở thành một thứ văn hóa, một thứ lễ tục có mặt trong mọi sinh hoạt của đời sống. Người ta cầu hôn bằng trầu cau. Người ta đi “ăn hỏi, đi chạm ngõ”, đi cưới vợ bằng trầu cau “đó là một nghi thức rất Việt nam, độc dáo Việt nam, mang bản sắc Việt Nam”.

Ngày xưa đi chúc Tết ở vùng nông thôn, người ta phải mang trầu cau đi, đến nơi thờ ông, bà, tổ tiên gồm một nhánh cau với một ít lá trầu, đến những gia đình thân quen là ba quả cau hoặc một quả cau với một lá trầu, trịnh trọng đặt lên ban thờ rồi mới thắp hương.

Cũng thời xưa, dân vào quan phải có cơi trầu hay năm mười trái cau; người thợ cả đến xin việc làm như xây cất nhà, cũng phải có chẽ cau tươi hay năm chục một trăm miếng cau khô; xin chữ ký bầu cho làm một chức việc trong làng tổng phải có trầu cau mới trịnh trọng; xin câu đối nếu không có lễ hậu hĩnh thì ít ra cũng:

“Đem một cơi trầu kêu với cụ,

Xin năm ba chữ đề thờ ông”

Làng già trẻ đều ăn trầu

Mời trầu khách quan họ.

Mời trầu khách quan họ.

Ngày nay ở giữa Thủ đô Hà Nội vẫn còn một ngôi làng Phú Lễ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, từ các cụ già trên trăm tuổi, tới trẻ em 7, 8 tuổi cũng biết ăn trầu, phụ nữ làng này đi đâu cũng có một túi vải nhỏ thắt miệng, trong đựng đôi lá trầu, dăm miếng cau. Ngạc nhiên hơn đàn ông ở Phú Lễ còn ăn trầu nhiều hơn phụ nữ. Người dân ở đây quan niệm, ngày Tết có thể thiếu bánh chưng, thiếu đào, quất nhưng phải lo đủ trầu cau cho 3 ngày. Đó cũng là mặt hàng bán chạy không kém thịt lợn, bánh kẹo ở đây mỗi dịp tết đến. Các chợ Hà Nội ngày nay đến ngày mồng một, mười rằm, người nào cũng mua quả cau, lá trầu về để thắp hương.

Đi kèm với ăn trầu, mời trầu còn có hàng loạt các dụng cụ như: khay, cơi, tráp, dao cau, ống nhổ, bình vôi… Cách têm trầu cũng đa dạng, chỉ là têm một miếng trầu mà dân gian đã tinh tế sáng tạo ra nhiều kiểu dạng khác nhau: Trầu cánh phượng, trầu cánh kiếm, trầu mũi mác, trầu cánh quế, cau vỏ trầu hoa biểu tượng cho loan phụng; lúc tiễn chồng ra trận thì trầu têm múi mác, têm cánh kiếm đầy ẩn ý với lời hẹn ước sớm thắng trận trở về…

Mời trầu du khách nước ngoài. Ảnh: TL

Mời trầu du khách nước ngoài. Ảnh: TL

Một điều thú vị là, trong rất nhiều cuộc khai quật mộ cổ ở Việt nam, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những túi đựng trầu cau. Trải qua hàng trăm năm mà trầu cau vẫn tươi, cảm giác như vẫn còn có thể ăn được.

Học giả Phan Kế Bính từng tổng kết: “Trầu cau là một thứ đầu các sự lễ nghĩa. Phàm việc tế tự, tang ma, việc cưới xin, việc vui mừng, việc gì cũng lấy miếng trầu làm trọng”.

Cố giáo sư sử học nổi danh Trần Quốc Vượng thì cho rằng “… phép biện chứng của miếng trầu là nó vừa mang nặng bản sắc xã hội (phương tiện giao tiếp), vừa mang nặng tình người và chỗ nặng tình người nhất…”

Miếng trầu còn tàng ẩn, tiềm ẩn tình nghĩa anh em ở nơi sự tích Trầu – Cau – Vôi. Đôi vợ chồng và người em trai bất hạnh: Sống chia rẽ anh em là chết, sự hối hận đền bù cho cái chết…. Chết rồi nhưng Trầu – Cau – Vôi hòa hợp nơi miếng trầu.

Người thời nay dẫu đa số chẳng ai ăn trầu, song vẫn âm thầm nhớ, da diết nhớ cái duyên nghĩa trầu cau…

Biểu tượng trời đất, âm dương, hòa hợp

Cây cau vươn cao được coi là biểu tượng của Trời (mang khí dương) vôi đất đá biểu tượng của đất (mang khí âm), dây trầu mọc lên từ đất, quấn quýt lấy thân cau, biểu tượng cho vai trò trung gian hòa hợp. Khắp nơi, từ vùng núi đến đồng bằng, các ngôi nhà đều trồng vài cây cau, một giàn trầu. Ở Hải Phòng có một làng trong vườn trồng toàn cau. Ở phía Nam có cả làng trồng trầu trở thành kỳ tích.

Duy Tường

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/triet-li-nen-biet-tu-tuc-an-trau-cua-nguoi-viet-20180207090332229.htm