Triết lý trong bức tranh 'Đám cưới chuột'

Tranh dân gian Đông Hồ, một trong số nổi tiếng nhất là bức Đám cưới chuột. Trong tranh, chú mèo ngồi chễm chệ giữa đường rước dâu thường được coi là đại diện cho giai cấp thống trị. Nếu vậy những chú chuột đại diện cho ai?...

Đám cưới chuột

Ai cũng biết, chuột là một loài vật tinh khôn. Dân gian còn truyền lại nhiều giai thoại: Chuột ăn vụng mỡ, chuột lấy cắp trứng, chuột giả chết thoát thân. Những thí nghiệm khoa học cũng cho thấy trí khôn của chúng thật không thể xem thường. Tai hại thay, lũ chuột lại dùng trí khôn đó để phá hoại vật dụng, kho tàng của con người. Đã phải có hẳn một giống mèo được thuần hóa để săn bắt chuột; và chỉ vì mỗi chiến công đó mà lũ mèo được trọng dụng đến mức trở thành tầng lớp ăn trên ngồi chốc, đủ thấy con người sợ chuột đến mức nào. Nhưng thực ra, mèo cùng hàng loạt các biện pháp kỳ công khác vẫn không ngăn được sức sống mãnh liệt của loài chuột. Không hiểu đám cưới của chúng được tổ chức ra sao, vào lúc nào, mà con cháu chúng cứ sinh đàn sinh đống trong những hang ụ đầy ắp ngũ cốc lấy từ mùa màng khó nhọc của con người?... Chuột thật xứng đáng là một loài phú túc đa đinh.

Thuở xa xưa, quan hệ người - chuột chắc hẳn không đến mức căng thế. Ngược lại, có thể con người lại còn phải lợi dụng khả năng trời cho của chuột để bắt chước chúng tránh những quả, hạt có độc tố. Truyền thuyết dân gian một số vùng còn coi chuột như một anh hùng trong việc mang đến hạt giống ngũ cốc cho con người. Rõ ràng, đó là tiếng vọng của một liên minh trong công cuộc tuyển chọn giống má, trước thềm nền nông nghiệp trồng trọt. Như thế với chuột, con người dần hình thành thứ tình cảm đầy mâu thuẫn: Vừa nể sợ vừa ghét bỏ. Tình cảm ấy được thể hiện trong tập tục ở nhiều vùng thuộc Trung Quốc: Tục làm đám cưới cho chuột. Ngày cưới của chuột, cách thức tùy nơi, tùy vùng, nhưng người ta đều tôn trọng. Họ bày kẹo mè, gạo, muối để làm quà cưới cho chuột, còn người thì đi ngủ sớm và đặc biệt là không cho trẻ em la hét để làm kinh động đám cưới nhà chuột. Theo một số học giả, làm đám cưới cho chuột, người nông dân vừa tỏ lòng ngưỡng mộ sức sống/ sinh sôi, vừa tỏ lòng muốn gả bán/ đuổi lũ chuột đi! Từ tập tục đó, tranh đám cưới chuột ra đời, nhiều nhất là vào dịp tết.

Nghề in tranh khắc gỗ du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam, cố nhiên cùng với nó, một số mô típ tranh cũng được nhập nội. Đám cưới chuột ở Đông Hồ rõ là được rước từ Tàu sang, thông qua những chi tiết hết sức điển hình: Nào kèn, nào ngựa, nào lọng, nào kiệu. Chẳng biết bên ấy con mèo có được coi là biểu tượng của giai cấp thống trị, và chuột có được coi là biểu tượng của giai cấp bị trị không (bị trị gì mà đám cưới sang vậy?...), chứ còn ở bên này, người nông dân luôn là những cái bống, con cò và mèo vẫn hoàn mèo - một đầy tớ bảo vệ kho đụn trung thành của con người mà thôi! Tất nhiên, trong quan hệ với chuột, mèo cũng có thể được coi là kẻ thống trị, xét ở góc độ sức mạnh thể xác. Nhưng nói như thế phỏng ích gì cho việc cảm thụ kiệt tác hội họa Đông Hồ này? Khi tiếp thu yếu tố “Đám cưới chuột”, chắc hẳn người nông dân/ Nghệ sỹ Đông Hồ đã đồng cảm với tín ngưỡng phồn thực của nền văn hóa Trung Hoa, mà con chuột chính là một đại biểu của tín ngưỡng ấy.

Thử xem lại bức tranh, thấy lễ vật được dâng lên mèo khi đám cưới đã đi qua được quá nửa - nửa quan trọng, người ta dễ nhận ra ở đây một sự thỏa hiệp giữa mèo/người với chuột. Sự thỏa hiệp được đặc tả hơn trong tình tiết chấp nhận nhịn món thịt chuột khoái khẩu trong ngày cưới chúng để ăn chim, cá của mèo.

Và thế là đám cưới chuột đã vượt qua mọi trở lực để rộn rã bước vào mùa xuân. Sự sinh sôi đã chiến thắng. Nhưng rất có thể phía sau kia, chú mèo đã liếm mép sau vụn xương cá cuối cùng và chợt nhớ ra nhiệm vụ mà loài người đã tin tưởng giao phó.

Việc để chú mèo thất thế, nhưng vẫn oai vệ ngồi cạnh đám cưới kẻ thù đã thể hiện cái nhìn thâm thúy của triết lý Phương Đông: Sự sinh khắc, cái thiện ác, thế mạnh yếu - Hai mặt đối lập cứ đan quyện nhau, chuyển hóa nhau trong vòng tiêu trưởng bất tận của vũ trụ.

Nguyễn Thành Tuấn

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202301/triet-ly-trong-buc-tranh-dam-cuoi-chuot-cc907d2/