Trình Quốc hội chi hơn 256.000 tỉ đồng phát triển văn hóa

Nguồn lực thực hiện chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 sẽ do ngân sách trung ương, địa phương bố trí và các nguồn huy động khác

Ngày 1-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng đã trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (chương trình).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình sáng 1-11. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình sáng 1-11. Ảnh: Hồ Long

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, chương trình có 7 mục tiêu tổng quát. Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.

Thứ hai, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính...

Thứ ba, huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Thứ tư, huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội...

Thứ năm, xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài.

Thứ sáu, phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, với nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng.

Thứ bảy, hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương bố trí tối thiểu 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%). Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%). Vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%).

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỉ đồng. Như vậy, tổng nguồn lực thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2035 là 256.250 tỉ đồng

Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước. Phấn đấu 127 di tích quốc gia đặc biệt và 2.542 di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; Hàng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam....

Phấn đấu đến năm 2035 các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; Hàng năm, có ít nhất 4 - 6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh trình bày, Ủy ban cơ bản nhất trí với dự kiến về tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện chương trình.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết một số ý kiến cho rằng tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn so với tổng mức đầu tư và kết quả giải ngân của các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã thực hiện.

Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với dự kiến kế hoạch bố trí và tiến độ nguồn vốn, Ủy ban đề nghị Chính phủ cân nhắc, điều chỉnh mức phân bổ kinh phí theo hướng tập trung nhiều hơn cho giai đoạn 2028 - 2030 để phù hợp với thực tiễn công tác chuẩn bị, triển khai các hoạt động và khả năng giải ngân vốn.

Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần

- Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp

- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh

- Phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả

- Phát triển hệ thống hạ tầng, thiết chế văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp quốc tế

- Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa

- Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc

- Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật

- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

- Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực văn hóa

- Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới

- Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về chương trình

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trinh-quoc-hoi-chi-hon-256000-ti-dong-phat-trien-van-hoa-196241101101422782.htm