Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt khung giá phát điện của nhà máy điện sinh khối

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 20/2024/TT-BCT quy định phương pháp lập khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn và nhà máy điện sinh khối.

Khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn, nhà máy điện sinh khối được xác định trong dải giá trị từ 0 (đồng/kWh) đến mức giá của nhà máy điện chuẩn.

Khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn, nhà máy điện sinh khối được xác định trong dải giá trị từ 0 (đồng/kWh) đến mức giá của nhà máy điện chuẩn.

Thông tư số 20/2024/TT-BCT có 04 Chương, 12 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 26/11/2024 và được áp dụng sau khi bãi bỏ các quy định về giá điện hỗ trợ (FIT) cho các loại hình dự án điện sinh khối, sử dụng chất thải rắn tại các văn bản hiện hành.

Các đối tượng áp dụng của Thông tư là các Nhà máy điện chất thải rắn, nhà máy điện sinh khối, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, Khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn, nhà máy điện sinh khối được xác định trong dải giá trị từ 0 (đồng/kWh) đến mức giá của nhà máy điện chuẩn.
Trong đó, Nhà máy điện chuẩn là nhà máy điện chất thải hoặc nhà máy điện sinh khối đã được lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, có quy mô công suất phổ biến, đại diện cho loại hình nhà máy điện chất thải rắn và nhà máy điện sinh khối, được sử dụng để tính toán khung giá phát điện.

Trình tự lập, thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện

Thông tư 20/2024/TT-BCT quy định rõ trình tự lập, thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn và nhà máy điện sinh khối. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm:

Đề xuất lựa chọn nhà máy điện chuẩn để tính toán khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn, nhà máy điện đồng phát nhiệt - điện và nhà máy điện sinh khối không phải là đồng phát nhiệt - điện (nếu có).

Tính toán hoặc có thể thuê tư vấn lựa chọn bộ thông số và tính toán giá phát điện của nhà máy điện chuẩn theo quy định tại Chương II Thông tư này.

Lập hồ sơ tính toán khung giá phát điện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này, trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định.

Trường hợp các thông số tính toán khung giá biến động cần thiết phải tính toán lại khung giá phát điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm tính toán lại báo cáo Cục Điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ Công Thương ban hành.

Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ trình duyệt. Trường hợp cần thiết, Cục Điều tiết điện lực có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ.

Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ của Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo giải trình về nội dung trong hồ sơ theo yêu cầu.

Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm tổ chức thẩm định khung giá phát điện, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Điều tiết điện lực.

Hồ sơ đề nghị phê duyệt khung giá phát điện bao gồm: Tờ trình đề nghị thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện; bảng thông số và các tài liệu tính toán giá phát điện cho các nhà máy điện chuẩn theo quy định.

Phương pháp xác định Giá phát điện của nhà máy điện chuẩn
Giá phát điện của nhà máy điện chuẩn được xác định theo ba thành phần chính, trong đó, Giá cố định bình của nhà máy điện chuẩn, đây là thành phần để thu hồi chi phí đầu tư, được xác định theo chi phí vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện chuẩn (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) được quy đổi đều hằng năm, với điện năng giao nhận bình quân nhiều năm của nhà máy điện chuẩn.
Giá vận hành và bảo dưỡng cố định của nhà máy điện chuẩn là thành phần để thu hồi chi phí sửa chữa lớn, nhân công và các chi phí khác hằng năm.
Giá biến đổi của nhà máy điện chuẩn cho năm áp dụng khung giá là thành phần để thu hồi chi phí nhiên liệu, các chi phí biến đổi khác của nhà máy điện với số giờ vận hành công suất cực đại.

Hồ sơ đề nghị phê duyệt khung giá phát điện
Hồ sơ đề nghị phê duyệt khung giá phát điện bao gồm:

1. Tờ trình đề nghị thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện.

2. Bảng thông số và các tài liệu tính toán giá phát điện cho các nhà máy điện chuẩn theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Các tài liệu liên quan đến các thông số tính toán giá phát điện.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/11/2024.

Xuân An

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/trinh-tu-lap--tham-dinh--phe-duyet-khung-gia-phat-dien-cua-nha-may-dien-sinh-khoi-128572.htm