Trở lại Tân Bình

Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng quận Tân Bình. Ảnh: BYT

Xe rời Tuy Hòa lúc trời sập tối, thận trọng băng qua những đoạn đường bị nước lụt nhấn chìm. Mưa đã tạnh, gió đã ngưng nhưng lòng dội lên từng đợt sóng.

Trong balo, bộ đồ phòng hộ vẫn nằm yên. Tôi đã mua sau khi đi test nhanh, định bụng sẽ mặc trước khi lên xe. Nhưng đến bến, thấy chung quanh chiếc xe khách giường nằm duy nhất chuẩn bị lăn bánh, chẳng có ai mặc trang phục phòng hộ cả. Mình mặc vào, có khi bị… kỳ thị không chừng. Thôi thì bảo vệ mình bằng 2 cái khẩu trang y tế, chai dung dịch sát khuẩn và chai tinh dầu quế. Nơi tôi đến là TP Hồ Chí Minh, vùng vàng - nguy cơ trung bình trên bảng đánh giá cấp độ dịch. Bộ Y tế công bố thành phố phương Nam này có hơn 472.700 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong hơn 7 tháng qua.

Xe vào thành phố lúc ngày chưa rạng. Những hình ảnh rất bình thường, như một chiếc ba gác máy lỉnh kỉnh chạy qua, hay những người chạy Grab bike trên phố cũng làm tôi xúc động. Tôi nhớ đến hình ảnh Sài Gòn vắng lặng khi bị trọng thương trong đợt dịch thứ tư. Tôi nhớ ca từ nghẹn lòng của thầy giáo 9X Thái Dương: “Hàng quán hay chợ búa hay là cổng trường/ Rạp hát hay là công viên rồi giáo đường/ Cửa đóng then cài để bao người nhớ thương/ Quạnh vắng khi nhìn lá rơi đầy vấn vương/ Những dây giăng mắc khắp mọi nơi/ Như đang buộc trói tâm hồn tôi/ Tiếng xe còi hú nghe mà thương nghe mà thương…”.

Tân Bình là một trong chín địa phương ở cấp độ 1 (vùng xanh, nguy cơ thấp), theo đánh giá gần đây nhất của UBND TP Hồ Chí Minh. Người đàn ông trung niên chạy xe thồ chở tôi từ Bến xe Miền Đông về khách sạn cũng sống ở Tân Bình. Ông nói: “Mới chạy xe lại 2 tuần nay chớ mấy”. Vợ chồng ông từ Bình Thuận vô Sài Gòn lập nghiệp khi đứa con đầu lòng mới 5 tuổi, năm nay nó đã tốt nghiệp đại học ngành Du lịch và đang thất nghiệp. Còn đứa út đang học lớp 11. Vợ ông làm công nhân tại một công ty may. Thu nhập của hai vợ chồng, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ nuôi hai đứa con ăn học và trang trải hàng tháng, trong đó có khoản tiền thuê nhà. Suốt mấy tháng bị “nhốt” trong nhà, gia đình ông nhờ người thân ở quê cứu trợ để cầm cự. Rau củ và gạo thì có các nhà hảo tâm cho. Gia đình ông phải nói là quá may mắn khi đến giờ vẫn chưa ai mắc COVID-19. “Bình an là quý nhứt. Đợt dịch này, người ta chết nhiều lắm” - ông ấy nói kèm tiếng thở dài.

Một con đường nhộn nhịp ở Tân Bình. Ảnh: YÊN LAN

Một con đường nhộn nhịp ở Tân Bình. Ảnh: YÊN LAN

Khách sạn nhỏ nơi tôi lưu lại mỗi khi vào Sài Gòn không có gì thay đổi, ngoại trừ một cái bàn đặt ngay trước cửa, bên trên có 3-4 chai dung dịch sát khuẩn. Đương nhiên là phải quét mã QR để khai báo y tế và chìa ra “thẻ xanh” đã tiêm 2 mũi vắc xin. Một trong những nhân viên lễ tân của khách sạn này - cô gái có gương mặt tròn, đôi mắt to, nói giọng Bắc pha giọng Sài Gòn - có tinh thần phòng chống dịch rất cao. Mỗi khi thấy khách bước lên bậc cấp, chuẩn bị cầm chai dung dịch sát khuẩn là cô ấy kêu lên: “Để em, để em” và phi ra. Cô ấy không chỉ xịt nước sát khuẩn vào tay mà còn xịt khắp người (tất nhiên là trừ đầu và gương mặt), xịt cả lên túi xách, balo của khách.

Không chỉ có Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, công viên Hoàng Văn Thụ, Tân Bình còn có những điểm tham quan như các chùa: Giác Lâm, Giác Viên, Phổ Quang, lăng mộ cụ Phan Châu Trinh. Và, Tân Bình có bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng. Tháng 7 vừa rồi, khi hệ thống y tế TP Hồ Chí Minh bắt đầu quá tải, số ca tử vong tăng cao, với nỗ lực cứu bệnh nhân COVID-19 mà vẫn bảo vệ được khu điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân không COVID-19, Bệnh viện Thống Nhất phối hợp với Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 quận Tân Bình, Trung tâm Y tế quận và Bệnh viện quận thành lập Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng quận Tân Bình - bệnh viện dã chiến đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh điều trị cùng lúc 3 tầng bệnh nhân COVID-19, từ nhẹ, trung bình đến nguy kịch. Sau 2 tuần miệt mài thi công suốt ngày đêm, bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng đi vào hoạt động. Cơ sở y tế này có quy mô 1.000 giường bệnh, gồm 50 giường hồi sức tích cực, 150 giường dành cho bệnh nhân nặng, 500 giường dành cho bệnh nhân ở mức độ trung bình và 300 giường dành cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Điều đặc biệt nữa là Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng quận Tân Bình thực hiện tất cả các kỹ thuật tiên tiến như ECMO (tim - phổi nhân tạo), lọc máu ngắt quãng, lọc máu hấp phụ, thở máy xâm lấn… Bệnh viện này đã tiếp nhận, điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, góp phần quan trọng vào công cuộc chống dịch của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Tôi không đến Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng quận Tân Bình, mà đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh ở quận 5, không quên mang theo kết quả test nhanh kháng nguyên để khỏi bị “ngoáy mũi” lần nữa. Trong bản tin tối 2/12, Bộ Y tế công bố TP Hồ Chí Minh có hơn 1.700 ca nhiễm SARS-CoV-2. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, số ca nhập viện vẫn cao hơn số xuất viện. Số ca nặng, tử vong đang có xu hướng tăng, tập trung ở nhóm có bệnh nền, trên 50 tuổi. Đầu tháng 12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi UBND thành phố về việc thí điểm cho y tế tư nhân tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Theo đề xuất, cơ sở y tế tư nhân được đăng ký làm trạm y tế lưu động để chăm sóc và điều trị F0 tại nhà.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng bệnh nhân đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh khám chữa bệnh ngoại trú vẫn rất đông, trong đó có nhiều người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Khác với suy nghĩ của tôi, không ai bị “ngoáy mũi” khi đến đây khám bệnh, trừ các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Sau khi tôi quét mã QR khai báo y tế, một người mặc trang phục phòng hộ dán lên áo mảnh giấy tròn màu tím có dòng chữ “Đã kiểm tra thân nhiệt” (tất nhiên là bằng camera), “Đã sàng lọc” và hướng dẫn đến quầy làm thủ tục. Bệnh nhân đông song khu vực nào cũng có người hướng dẫn nên ngay cả những ai đến đây lần đầu cũng không hoang mang. Tôi mang 2 cái khẩu trang y tế, cố gắng giữ khoảng cách, lăm lăm trong tay vật bất ly thân và lập tức sát khuẩn ngay sau khi chạm tay vào bất cứ thứ gì. Trên khẩu trang và trên áo, tôi bôi tinh dầu. Bước vào phòng khám, người tôi nồng nàn mùi tinh dầu (chắc là rất dễ chịu).

Trở về khách sạn, tôi lại được cô nhân viên lễ tân có tinh thần phòng chống dịch cao xịt khử khuẩn khắp người. Cô ấy cùng một người nữa đang trang trí sảnh khách sạn bằng dây kim tuyến và các quả cầu nhiều màu sắc. “Sắp đến Giáng sinh rồi”, cô ấy nói, rồi giọng chùng xuống “Năm nay Giáng sinh chắc sẽ buồn, vì thành phố vừa trải qua nhiều mất mát”. Những quả cầu trong gió, đong đưa đong đưa.

Tôi định nói với cô ấy rằng tôi rất thích bài hát Sài Gòn tôi sẽ… của thầy giáo 9X Thái Dương, nhất là đoạn: “Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy/ Sẽ không có dây, phố thưa lại đầy/ Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời/ Sẽ như lúc xưa sẽ lại vui/ Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận/ Sẽ ôm siết nhau, bắt tay, vui mừng/ Và anh rồi sẽ dắt em đi dạo/ Quán quen chiếc hôn ta cùng trao…”.

Chiều. Trên con đường phía trước, xe cộ dập dìu. Tôi nhìn dòng xe. Tôi nhớ những gương mặt, nụ cười mà mình đã gặp, nơi này. Tân Bình, và cả Sài Gòn mà tôi đã kịp quen với những con phố vô cùng náo nhiệt, những dòng xe như nước trôi sẽ “tái sinh rạng ngời”, sau biết bao mất mát, đớn đau.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/268215/tro-lai-tan-binh.html