Trợ lực đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Cùng những cơ chế, chính sách của tỉnh, vừa qua, đại diện Tổ Công tác 1034 thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã cam kết đồng hành cùng Vĩnh Phúc trong quá trình đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT); đồng thời cử chuyên gia về giúp đào tạo cho cán bộ Hội nông dân, Liên minh Hợp tác xã (HTX), nhân viên của doanh nghiệp bưu chính để có thêm lực lượng đào tạo trực tiếp cho người dân. Đây không chỉ là cơ hội giúp các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tiếp cận, đưa nông sản lên sàn TMĐT mà còn là dịp người dân quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng số.

Các sản phẩm rau, quả an toàn của Công ty TNHH Đầu tư nông nghiệp và xây dựng Hoài Băng, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc nếu được đưa lên sàn TMĐT sẽ góp phần mở rộng thị trường, ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập

Các sản phẩm rau, quả an toàn của Công ty TNHH Đầu tư nông nghiệp và xây dựng Hoài Băng, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc nếu được đưa lên sàn TMĐT sẽ góp phần mở rộng thị trường, ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập

Nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT, tháng 7/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1034 phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Triển khai Quyết định trên, tháng 9/2021, Sở NN&PTNT phối hợp với Viettel Vĩnh Phúc tổ chức ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn của ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc lên sàn TMĐT Voso.vn, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, hạn chế hàng hóa bị tồn đọng; đồng thời, từng bước chuyển đổi số trong SXKD nông sản.

Tháng 10/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 260 về hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc.

Tham gia sàn TMĐT, các hộ sẽ được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hỗ trợ đăng ký, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Các sàn TMĐT và nền tảng số cũng cung cấp nhiều thông tin hữu ích liên quan đến nông nghiệp như thị trường nông sản, phân bón, dự báo nhu cầu tiêu thụ, năng lực sản xuất nông sản, tình hình thời tiết; cung cấp các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi khi mua sắm sản phẩm trên sàn TMĐT góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người nông dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.

Ngay đầu năm 2022, triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022, các sở, ngành đã thống nhất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ gia đình, người dân về TMĐT, những lợi ích khi đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT.

Tập trung dữ liệu của các hộ sản xuất nông nghiệp với đầy đủ thông tin để tạo lập tài khoản đăng ký, tài khoản thanh toán trực tuyến trên 2 sàn TMĐT Voso.vn và Postmart.vn; chỉ đạo Bưu điện tỉnh và Công ty Bưu chính Viettel Vĩnh Phúc hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đưa nông sản lên sàn thương mại Postmart.vn và Voso.vn.

Ngày 3/3/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 55 về triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến kinh tế số, xã hội số trên phạm vi toàn tỉnh và thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 4 xã, thị trấn, góp phần hỗ trợ, tăng thêm những điều kiện thuận lợi để đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT.

Mới đây, tại cuộc họp giữa Tổ Công tác 1034 thuộc Bộ TT&TT với Sở TT&TT Vĩnh Phúc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, đại diện Tổ Công tác 1034 cam kết đồng hành cùng Vĩnh Phúc trong quá trình đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, đồng thời sẵn sàng cử chuyên gia về cùng đào tạo cho cán bộ Hội nông dân, Liên minh HTX, nhân viên của doanh nghiệp bưu chính… để có thêm lực lượng đi đào tạo trực tiếp cho hộ dân.

Vĩnh Phúc hiện có 15 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn; 130 doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tiêu biểu đã có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGap, OCOP từ 3 sao trở lên đảm bảo yêu cầu có thể tham gia giao dịch trên sàn TMĐT.

Năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 32.000 hộ nông dân được tạo tài khoản bán hàng, hơn 200 tài khoản thanh toán trực tuyến được tạo lập và trên 1.400 sản phẩm nông nghiệp được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn.

Trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT không chỉ giúp các hộ sản xuất nông nghiệp hạn chế tình trạng ùn ứ sản phẩm khi cao điểm thu hoạch, ổn định giá thành, mở rộng kênh tiêu thụ hiệu quả, bền vững mà còn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.

Bài, ảnh: Hồng Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75365/tro-luc-dua-san-pham-nong-nghiep-len-san-thuong-mai-dien-tu.html