Trở ngại trong mục tiêu phát triển của Hải quân Nga
Phần thân dang dở của ba tàu khu trục tên lửa dẫn đường nằm im lìm tại xưởng ở Baltic là minh chứng cho thấy mục tiêu hiện đại hóa Hải quân của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang vấp phải trở ngại.
Được đóng dành cho Hạm đội Biển Đen của Nga nhưng các tàu khu trục lớp Đô đốc Grigorovich này đã trở thành nạn nhân của lệnh trừng phạt áp đặt lên Moskva năm 2014. Theo lệnh trừng phạt, Kiev cấm bán cho Moskva các động cơ sản xuất tại Ukraine vốn dự kiến được lắp đặt vào các tàu khu trục này.
Do Nga không kịp thời sản xuất động cơ thay thế cho tàu khu trục lớp Đô đốc Grigorovich, việc đóng tàu đã tạm dừng. Nga dự kiến bán 3 tàu này cho Ấn Độ nhưng không kèm theo động cơ.
Trong bài phát biểu trước quốc hội ngày 20/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin không đề cập đến vấn đề gặp phải liên quan tới động cơ của 3 tàu khu trục lớp Đô đốc Grigorovich mà tập trung nói về việc nhận 7 tàu ngầm trước thời hạn và đến năm 2027 sở hữu thêm 16 chiến hạm mới.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin Nga dự định bổ sung thêm 14 chiến hạm cho Hải quân nhưng 12 tàu trong số này đang thiếu động cơ, do đó Nga buộc phải chủ động tự sản xuất động cơ turbine khí.
Nhiệm vụ sản xuất động cơ cho tàu chiến được giao cho nhà sản xuất Saturn thuộc tập đoàn nhà nước Nga Rostec. Tuy nhiên, Saturn trong năm 2017 đã không hoàn thành thời hạn đề ra là chuyển động cơ đầu tiên cho Hải quân. Đến năm 2018, lãnh đạo của Saturn khẳng định 3 loại động cơ mới đã thử nghiệm thành công và dự kiến sắp được sản xuất hàng loạt.
Người đứng đầu Tập đoàn đóng tàu Thống nhất của Nga trong tháng 12/2018 khẳng định động cơ đầu tiên do Nga sản xuất sẽ được lắp đặt cho 14 chiến hạm mới “trong tương lai rất gần”.