Tròn trách nhiệm thôi chưa đủ, mà phải vì nước, vì dân!
TS Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Một lần nữa, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, nông nghiệp Việt Nam lại vươn lên dẫn đầu. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 28,15 tỷ đô-la Mỹ, tăng 12,9% so với năm 2022, là nhóm hàng duy nhất tăng trưởng dương trong số 4 nhóm hàng xuất khẩu chính, chiếm tỷ trọng 7,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước, là một thắng lợi lớn của nông nghiệp, nông dân nước ta.
Nhiều sản phẩm nông sản tăng trưởng ngoạn mục cả về giá trị và số lượng so với năm trước như: rau quả đạt 5,6 tỷ đô-la Mỹ, tăng mạnh nhất 65,9%; gạo đạt 8,3 triệu tấn, giá trị 4,8 tỷ đô-la Mỹ, tăng 39,4%, số lượng tăng 17,4%; cà phê đạt 4,2 tỷ USD, tăng 3,1%; hạt điều đạt 3,6 tỷ USD, tăng 17,6%; tiếp đó là 3 triệu tấn sắn, 2,2 triệu tấn cao su, 1,6 triệu tấn cà phê, 0,6 triệu tấn hạt điều…
Kết quả ngoạn mục như vậy chủ yếu là do tăng chất lượng và sản lượng nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong tất cả chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; nhờ vào sự nỗ lực của người nông dân và ngành nông nghiệp sau nhiều năm tập trung đầu tư chiều sâu và sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước về hạ tầng thủy lợi, giao thông và nhiều cơ chế, chính sách về sản xuất, chế biến và phát triển thị trường.
Đây cũng là những kết quả trực tiếp từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch, các chương trình khuyến nông, khuyến công khác… mà qua đó, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thực sự là với một quốc gia đất chật, người đông như nước ta, đa phần người dân còn gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, thì những con số nêu trên thật sự ấn tượng. Bởi vì, từ đó, người nông dân có thể tự đảm bảo được cuộc sống của mình, dần tiến tới làm giàu cho gia đình và quê hương, gánh nặng của Nhà nước, chi ngân sách trong bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn sẽ được giảm bớt.
Theo chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Cao Thăng Bình, đó chính là những khuyến nghị và gợi ý chính sách, việc làm thực tế của Ngân hàng Thế giới kiên trì theo đuổi trong suốt thời gian vừa qua, vì hiện nay tuy sản lượng và giá đều tăng, song lợi nhuận nông dân được hưởng chưa thay đổi nhiều. Xét theo kỳ vọng và trong thiết kế chính sách và kết quả trong thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 và chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid - 19 mà Quốc hội đã quyết định và thường xuyên giám sát việc thực thi thì quả đúng là như vậy.
Chuyên gia cao cấp Cao Thăng Bình cho biết, nếu Nhà nước bỏ ra một đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ thu lại được cả trăm lần nếu xét về hiệu quả tổng hợp của đầu ra. Chính vì lẽ đó, theo ông Cao Thăng Bình, để có một nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, không thể bỏ qua được những vấn đề cốt lõi là hình thành một thế hệ những nhà sản xuất nông nghiệp biết làm giàu cho mình và cho quê hương, yêu mến và hạnh phúc với nghề nông, sẵn sàng thích ứng với những thách thức của thị trường, thách thức từ biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng.
Có lẽ bên cạnh việc khuyến khích phát triển các nhà máy thông minh trong công nghiệp thì rất cần hướng tới một nền nông nghiệp “thông minh” với thị trường mở nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong nông nghiệp ở các khâu truy xuất nguồn gốc, giao dịch và tiêu thụ nông sản, đồng thời tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giá trị gia tăng của nông sản, để người nông dân có thể làm giàu ngay trên đất của mình, nhất là khi hoạt động sản xuất, phân phối nông sản hàng hóa toàn cầu đang được “số hóa” với tốc độ nhanh và quy mô lớn chưa từng có.
Từ những thành quả của nông nghiệp trong năm 2023, chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế dựa trên lợi thế so sánh của đất nước trong xây dựng chính sách, pháp luật cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Chúng ta đã từng lấy mô hình của Thái Lan để phấn đấu, thế mà ngày nay, giá trị hạt gạo của Việt Nam, sản lượng thu hoạch trên một đơn vị diện tích đã vượt gạo Thái sau một thời gian đầu tư đúng hướng và nỗ lực không ngừng nghỉ của người nông dân Việt Nam.
Trong nhiều năm tới, nông nghiệp sẽ vẫn là ngành kinh tế quan trọng của đất nước do lợi thế địa kinh tế, khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán, truyền thống của nông dân Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phồn vinh của nông dân, nông thôn, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là trong đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, do đó việc tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng.
Đó là thúc đẩy kinh tế hợp tác, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng số, giao thông, thủy lợi cho nông nghiệp, khuyến khích hình thành vùng nguyên liệu lớn cho chế biến và xuất khẩu trên cơ sở liên kết vùng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng theo hướng thay vì Nhà nước đầu tư các công trình, dự án nhỏ lẻ theo địa phương thì tập trung đầu tư có mục tiêu chung cho cả vùng, liên vùng với những dự án lớn tầm cỡ quốc gia, như vậy hiệu quả, hiệu lực đồng vốn Nhà nước bỏ ra sẽ cao hơn, người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn.
Đó cũng chính là cách thiết thực nhất để thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 24.6.2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Vì vậy, mỗi con người chúng ta, nếu chỉ làm đúng chức năng, làm tròn trách nhiệm vẫn chưa đủ, mà phải cố gắng hơn nữa, làm việc với tinh thần vì dân, vì nước mới hòng rút ngắn được khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới.