Trọn vẹn niềm tin nơi chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân đang cách ly

Được sự đồng ý, ủng hộ của Sở Y tế TP HCM, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã triển khai thành công mô hình chạy thận nhân tạo riêng dành cho những bệnh nhân ở khu cách ly, phong tỏa hoặc F2 chưa có kết quả xét nghiệm.

Chạy thận là chạy cả đời!

Dịch COVID-19 tại TP HCM vẫn đang diễn biến phức tạp, quy trình an toàn và tránh lây nhiễm chéo được thực hiện nghiêm nên không ít bệnh viện chưa đáp ứng đủ điều kiện. Điều này khiến nhiều bệnh nhân lâm vào cảnh không tìm được nơi chạy thận định kỳ trong khi nhu cầu lọc máu của bệnh nhân chạy thận rất cần thiết. Việc chạy thận cho bệnh nhân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh và tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho cộng đồng.

Bác sĩ Từ Kim Thanh - Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết bệnh nhân chạy thận nhân tạo chỉ cần bỏ chạy thận 1 lần là phù phổi, ngưng tim và có thể đột tử.

Từ nhu cầu cấp thiết này, tháng 4/2020, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã tiên phong triển khai mô hình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn đang sinh sống trong các khu vực phong tỏa, bệnh nhân là F2 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc chưa có kết quả xét nghiệm và chưa có triệu chứng.

Y bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh thực hiện chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận tại khu cách ly.

Y bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh thực hiện chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận tại khu cách ly.

Ông Ngô Minh S. (60 tuổi, ngụ quận 12) cho biết, ông không thể đến bệnh viện từng chạy thận định kỳ vì bệnh viện không có khu vực chạy thận riêng biệt. Ông S. được trung tâm y tế địa phương giới thiệu và chuyển đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh. "Tôi chạy thận được hơn 1 năm, 1 tuần phải chạy định kỳ 3 lần. Nếu chỉ cần 1 ngày không được lọc máu là cơ thể rất mệt, cao huyết áp. Khu chạy thận của Bệnh viện Lê Văn Thịnh có đầy đủ về trang thiết bị nên tôi đã được kịp thời điều trị. Giờ thì sức khỏe của tôi đã ổn định. Mong rằng mô hình chạy thận này sẽ được áp dụng ở một số bệnh viện khác để người dân chúng tôi được chăm sóc sức khỏe kịp thời", ông S. phấn khởi.

Bác sĩ Từ Kim Thanh – Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, các bệnh nhân chạy thận khu vực cách ly, phong tỏa sẽ được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Sở Y tế điều chuyển về bệnh viện. Đối với bệnh nhân ở trong khu phong tỏa đang chờ kết quả thì phải có phòng riêng để chạy thận nhằm bảo đảm không có sự lây nhiễm ra cộng đồng.

Bệnh viện cũng đã tận dụng xe cứu thương 0 đồng đến đón bệnh nhân chạy thận, bảo đảm việc khử khuẩn, mặc đồ bảo hộ cho người bệnh, người trung chuyển, khử khuẩn toàn bộ lối đi người bệnh và xe cứu thương.

"Chạy thận là chạy cả đời. Ra vào bệnh viện liên tục, thực sự nhiều lúc bệnh nhân với bác sĩ như người nhà vậy. Trước mắt, mô hình này sẽ giải quyết được bài toán số lượng bệnh nhân lọc máu định kỳ nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa của toàn thành phố", bác sĩ Thanh chia sẻ.

Quy trình nghiêm ngặt

Tại khu chạy thận nhân tạo cho người cách ly tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, tất cả quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, nguồn nước RO đến lối di chuyển của người bệnh, nhân viên y tế đều được quản lý chặt chẽ. Trong phòng chạy thận, nhân viên y tế túc trực và bệnh nhân đều mặc đồ bảo hộ.

Mỗi giường bệnh bảo đảm khoảng cách 2m. Mỗi ca chạy thận khoảng 3-4 giờ. Sau mỗi ca, nhân viên y tế thực hiện phun khử khuẩn, vệ sinh phòng bệnh, hệ thống chạy thận. Sau khử khuẩn, 2 giờ tiếp theo mới tiếp nhận ca chạy thận mới. Tất cả nhằm bảo vệ tối đa cho bệnh nhân, bảo đảm việc phòng chống dịch Covid-19.

"Tính ra tổng số bệnh nhân mà bệnh viện hoạt động trong 3 tháng đỉnh dịch năm 2021 là hơn 2000 lượt chạy thận, gần 200 bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai cũng được gửi lên đây. Thời điểm đó chỉ có Bệnh viện Lê Văn Thịnh xây dựng mô hình này nên tất cả các nơi đổ xô chuyển lên. Dù khối lượng công việc vất vả nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vì bệnh nhân", bác sĩ Thanh tâm sự.

Đáng chú ý, sau thành công của mô hình chạy thận nhân tạo cách ly trong trung tâm cách ly của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, các bệnh viện ở nhiều tỉnh thành khác như Bến Tre, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu,…. đã đồng loạt áp dụng triển khai và đã cứu chữa kịp thời cho nhiều bệnh nhân suy thận bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cùng với đó, Sở Y tế TP HCM cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả bệnh viện có chạy thận nhân tạo tiếp tục triển khai dịch vụ này, dành một số giường riêng biệt để tiếp nhận những người ở khu cách ly đến chạy thận, tránh tập trung quá đông bệnh nhân về Bệnh viện Lê Văn Thịnh như hiện nay để phòng chống hiệu quả dịch COVID -19. Được biết, hiện các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 trên địa bàn TP HCM đều đã triển khai mô hình này.

Bác sĩ Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã dự báo được sự khó khăn trong công tác điều trị đối với các bệnh nhân chạy thận. Bởi, việc bệnh nhân đến chạy thận tại Bệnh viện tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo cho bệnh nhân và các y bác sĩ. Mặt khác, bệnh nhân chạy thận là đối tượng dễ bị tổn thương vì COVID-19 vì sức khỏe yếu, cơ thể có nhiều bệnh nền nên công tác duy trì điều trị cho các bệnh nhân chạy thận bị ảnh hưởng COVID-19 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Từ những lý do trên, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã quyết định triển khai mô hình chạy thận nhân tạo cách ly trong trung tâm cách ly nhằm kịp thời cứu giúp những người bệnh chạy thận bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

"Với sự đồng thuận ủng hộ của Sở Y tế TP HCM trong việc triển khai mô hình thì toàn ban lãnh đạo cùng các y bác sĩ bệnh viện đã nỗ lực quyết tâm triển khai thực hiện mô hình này. Theo đó, kể từ khi triển khai mô hình này đến nay thì hầu như không có lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân. Cùng với đó là giảm tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân suy thận bị COVID-19 chỉ còn 3-4% (mức tỷ lệ tử vong trung bình của bệnh nhân chạy thận bị COVID-19 của thế giới là 14-15%)", bác sĩ Khanh cho biết.

Trước thành công của mô hình chạy thận nhân tạo cách ly trong trung tâm cách ly trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh thì ngày 17/12/2021 Bộ trưởng Bộ Y tế đã cấp chứng nhận sáng kiến cho mô hình này.

Tiếp đó, đến ngày 7/1/2022, Sở Y tế TP HCM đã chính thức có thông báo về việc mô hình chạy thận nhân tạo cách ly trong trung tâm cách ly trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã được chọn vào vòng 2 giải thưởng "Thành tựu y khoa Việt Nam 2021".

Đây là giải thưởng nhằm ghi nhận những nỗ lực của tập thể, cá nhân và giới thiệu rộng rãi các thành tựu, công trình y khoa của ngành y tế cũng như tôn vinh những tổ chức cá nhân đã có những thành tựu nổi bật trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ngọc Quyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//tron-ven-niem-tin-noi-chay-than-cho-benh-nhan-dang-cach-ly-169220223130912444.htm