'Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc học không bao giờ ngừng...'

Năm học mới ở TP.HCM sẽ bắt đầu mà không khai giảng, không tiếng trống, thiếu những tràng hoa, không một bài diễn văn để khởi đầu...

Hơn 3 tháng trước, 1,7 triệu học sinh TP.HCM kết thúc một năm học trong vội vàng, hụt hẫng, thì giờ đây lại bắt đầu một năm học theo hình thức đặc biệt. Không khai giảng, không tựu trường, giáo viên và học sinh bắt đầu năm học mới bằng cuộc gặp gỡ qua internet…

"Thật buồn và đau xót”- thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, bộc bạch khi lần đầu tiên trong cuộc đời đi dạy lại không thể đến trường.

Hằng năm vào những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 thầy Du và các giáo viên trong trường đều bận rộn với công tác tổ chức lớp. Mệt mỏi nhưng ngày khai giảng nhìn các thế hệ học sinh tiếp nối nhau trong ngôi trường thân quen giáo viên cảm thấy lâng lâng hạnh phúc vì công việc của mình thêm ý nghĩa.

Học sinh TP.HCM bắt đầu học bài mới từ 6/9

Học sinh TP.HCM bắt đầu học bài mới từ 6/9

Với thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du thì: "Năm học này khá đặc biệt trong cuộc đời đi dạy của tôi và cũng có lẽ đặc biệt trong lịch sử của ngành giáo dục. Năm học mới bắt đầu mà không khai giảng, không tiếng trống, thiếu những tràng hoa, không một bài diễn văn để khởi đầu... Chúng ta khởi đầu một năm học lạ quá”.

Tính đến hôm 3/9, Trường THPT Nguyễn Du có 9 giáo viên cùng gia đình mắc Covid-19. Có giáo viên đã mất đi ba mẹ vì Covid, có thầy cô đang ở bệnh viện điều trị. 25 học sinh của trường cũng vào diện F0, có em đang nằm trong bệnh viện, có em đang điều trị ở nhà. Rất nhiều phụ huynh của nhà trường cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhà trường đã làm mọi cách hỗ trợ họ để vượt qua dịch bệnh như hỗ trợ thuốc, kinh phí, mua 3 máy thở hỗ trợ những gia đình giáo viên có người thân mắc Covid-19… Tất cả họ đã cùng cố gắng, vượt khó để kịp thời có mặt vào đầu năm học mới. Dẫu còn nhiều khó khăn, thiệt thòi, thầy Phú hi vọng ngày gặp mặt thầy cô, học sinh để hàn huyên tâm sự sẽ không xa.

Bắt đầu năm học trong điều kiện đặc biệt, thầy Phú mong học sinh hãy xem phương pháp học online là phương pháp có trách nhiệm. Giáo viên hay học sinh đều phải có trách nhiệm với chính mình. "Chúng ta hãy chia sẻ với nhau những khó khăn để cùng nhau vượt qua. Tôi hứa rằng khi học trực tiếp trở lại chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục cho các em, để có sự trọn vẹn chương trình một năm học và bước vào năm học tiếp theo tốt đẹp hơn".

Thầy Trần Nam Dũng, Trường Phổ thông Năng khiếu cho biết, cảm xúc sẽ rất quan trọng trong học tập vì vậy khai giảng, tựu trường như là cú hích để học sinh chuyển trạng thái, tăng hưng phấn để bước vào năm học. "Nhưng vì điều kiện thì chúng ta đành chấp nhận và cần có những cách làm khác để tạo khí thế"- thầy Dũng nói.

Nhớ lại hàng năm và những ngày này có cô giáo chuẩn bị cho mình bộ áo dài thật đẹp, có thầy giáo chuẩn bị cho mình bộ vest thật tươm để đi khai giảng, thầy Dũng cho hay năm nay thầy trò nhà trường vẫn mặc đẹp để bước vào buổi học đầu tiên và dành thời gian để làm quen để chụp ảnh. Chúng ta có thể tạo ra niềm vui và thầy trò sẽ khắc phục khó khăn để học tốt.

Trường Phổ thông Năng khiếu sẽ cắt giảm tiết học từ 45 phút xuống còn 35 phút, để tránh áp lực học online cho học sinh.

Thầy trò cùng nhau vượt khó

Những ngày này, tâm trạng của thầy Võ Kim Bảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) rất ngổn ngang.

Theo thầy Bảo, không phải học sinh nào cũng có thiết bị để học. Nhiều học sinh thiếu kĩ năng tự học, chưa có ý thức tự giác. Hơn nữa các em học thì phải có điểm nên cho các em làm bài kiểm tra như thế nào cũng là vấn đề đau đầu với giáo viên làm sao để kiểm tra cho đúng, công bằng, hiệu quả.

“Đây là 1 năm học đặc biệt, dừng đến trường nhưng không có nghĩ là dừng việc học. Dù thời cuộc thế nào thì cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn. Khó khăn này không phải của riêng tôi mà là khó khăn chung nên phải cùng nhau cố gắng học tập, các em luôn có thầy cô và cha mẹ đồng hành”- thầy Bảo nhắn.

Thầy Du thì lo lần đầu tiên là phải dạy online một cách đồng bộ nên phải soạn bài giảng làm sao cho học sinh học ít nhưng nhớ nhiều. Cơ sở vật chất cho việc học online hiện còn quá khó khăn, mạng internet chập chờn... Chưa kể thầy trò học online trong thời điểm thành phố đang giãn cách, tác động rất lớn đến tâm lý.

Dù vậy, thầy Du nhắn nhủ đến học sinh hãy mạnh mẽ vượt qua thử thách. "Chúng ta đang đứng trước thử thách, nhưng đồng thời cũng đang đứng trước một cơ hội để chứng minh rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào việc học không bao giờ ngừng. Hãy mạnh mẽ vượt qua thử thách, tận dụng cơ hội để tiếp tục sinh tồn”.

Minh Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khong-tieng-trong-thieu-nhung-trang-hoa-mot-nam-hoc-la-771146.html