Trồng lúa bền vững với 1 triệu héc ta chất lượng cao
Dự thảo đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đưa ra mục tiêu tăng sản lượng, giảm chi phí, tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn.
Đồng bằng sông Cửu Long được xem là thủ phủ lúa gạo của đất nước, với sản lượng đạt khoảng 24 – 25 triệu tấn mỗi năm. Lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long góp phần quan trọng duy trì an ninh lương thực không chỉ cho cả nước mà còn trong khu vực và trên thế giới.
Đầu năm 2022, Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long được ban hành, với quan điểm “thuận thiên”, đã đưa ra hướng đi mới cho nông nghiệp miền Tây là giảm tỷ trọng lúa gạo, tăng tỷ trọng thủy sản, cây ăn trái. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là lúa gạo bị xem nhẹ, mà canh tác lúa gạo cần tiếp tục đảm bảo tăng sản lượng và chất lượng, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực tới khí hậu.
Đó là cũng là mục tiêu của đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, đề án đặt ra đến năm 2025 sẽ nâng diện tích lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên 500 nghìn héc ta, sản xuất 2 vụ mỗi năm, tức là tương đương với 1 triệu héc ta gieo trồng và sản lượng hơn 6 triệu tấn lúa.
500 nghìn héc ta lúa này sẽ được trồng theo phương pháp bền vững, giúp giảm lúa giống, giảm 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới, đồng thời tăng lợi nhuận bình quân cho các nông hộ lên trên 35%. 80% diện tích lúa ứng dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP hoặc tương đương; 20% ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số; 50% áp dụng cơ giới hóa; giảm 10% phát thải khí nhà kính.
Bức tranh chuyển đổi bền vững nông nghiệp miền Tây
Nói về đề án, ông Cao Thăng Bình, chuyên gia nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định, trồng lúa là ngành gây phát sinh lượng khí thải nhà kính lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, với khoảng gần 50 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm. Tuy nhiên lượng khí nhà kính này có thể giảm gần 1 nửa nếu thực hành nông nghiệp tốt và thích ứng với biến đổi khí hậu.
PGS.TS Bùi Bá Bống, chuyên gia nông nghiệp, cũng nhìn nhận, vấn đề chính của đề án là tổ chức sản xuất lúa gạo gắn với giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và hợp tác xã.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, bà Lê Hoàng Đại Trang, Chủ tịch Công ty CP Gavi, cho biết công ty rất quan tâm và sẵn sàng tham gia đề án. Theo bà Trang, trong những năm qua, công ty đã thử nghiệm mô hình canh tác nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng phế phẩm, phụ phẩm làm phân bón hữu cơ, bước đầu cho những kết quả tốt.
Đó chính là lý do bà Trang tin tưởng rằng canh tác lúa bền vững là hướng đi đúng đắn, trong đó tác dụng dễ thấy nhất là áp dụng kinh tế tuần hoàn giúp nông dân tự chủ về phân bón, giảm rủi ro vì phụ thuộc nguồn cung phân bón từ nước ngoài, đồng thời giúp đất không bị thoái hóa, bạc màu.
Lộc Trời cũng là một doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao. Trao đổi với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ về vốn, máy móc, công nghệ cũng như tìm kiếm thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng hay nhằm phát triển chuỗi giá trị lúa gạo.