Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện vi phạm thì phải kịp thời chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý

Đại biểu Quốc hội đề nghị, trong quá trình giám sát, nếu phát hiện có vi phạm, đoàn giám sát cần báo cáo kịp thời với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội để chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 27/5, tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) bày tỏ đồng tình với Tờ trình, trong đó đã nêu lên được những lợi ích mang lại trong quá trình giám sát; đặc biệt, đây cũng là nguyện vọng chung của cử tri. Đại biểu cho biết, qua thực tế giám sát đã cho thấy sự khác biệt giữa số liệu giám sát và các số liệu báo cáo của địa phương, Chính phủ...

Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 cũng đã nêu rõ, qua hoạt động giám sát, vấn đề quan trọng nhất là tìm ra giải pháp chứ không phải tìm ra các sai sót; qua đó cùng tháo gỡ và hướng tới sự phát triển bền vững. Nếu tiếp tục triển khai thực hiện hoạt động giám sát như hiện nay sẽ tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của cử tri.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân phát biểu.

Về chuyên đề giám sát, Đại biểu Nguyễn Quang Huân lựa chọn giám sát chuyên đề 1 và chuyên đề 4 như trong Tờ trình. Theo Đại biểu, đối với chuyên đề 1, ngoài sự cấp thiết và những vấn đề hiện nay chưa làm được, quan trọng hơn nữa là để rút kinh nghiệm, qua đó sẽ có những bài học kinh nghiệm ứng phó với những tình huống khẩn cấp, dịch bệnh thiên tai… Đưa ra ví dụ cho quan điểm này, Đại biểu chỉ ra rằng, hiện nay bàn bạc nhiều về vấn đề biến đổi khí hậu, tuy nhiên, hiện tượng lũ lụt, sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long và hiện tượng khô hạn ở các thủy điện vẫn xảy ra. Có thể thấy, biến đổi khí hậu đã hiện hữu cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Nhưng các hành động cụ thể để thích ứng, chống biến đổi khí hậu thì làm tới đâu? Qua đợt giám sát này sẽ có thể đưa ra các bài học thực tiễn. Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, nếu không làm sẽ muộn và không đáp ứng được tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, về gói tài khóa, tiền tệ của Nghị quyết 43 có thể áp dụng đối với kỳ tăng lương. Nếu tăng lương thỏa đáng cho cán bộ, công chức mà không có các chính sách đi kèm có thể sẽ dẫn tới lạm phát. Việc tăng lương sẽ gây nên lo lắng cho một số bộ phận cử tri, nhân dân không được tăng lương sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhưng có chính sách tài khóa, tiền tệ tương tự như Nghị quyết 43 thì việc tăng lương sẽ bền vững và kích thích cho phát triển kinh tế, tạo sự yên tâm cho cán bộ, công chức.

 Các đại biểu dự phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Đối với chuyên đề 4, Đại biểu đánh giá, tình hình bất động sản chìm lắng hiện nay đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trong năm 2022, nền kinh tế có tốc độ phát triển ngoạn mục nhưng quý I năm 2023 đã chững lại. Việc thị trường bất động sản ngừng lại cho thấy mạch máu chính của nền kinh tế đang bị nghẽn. Do đó, cần tìm ra các biện pháp để khơi thông tình hình này. Nếu không làm gấp, làm nhanh, có thể dẫn đến hệ lụy như khủng hoảng tài chính năm 1997 cũng bắt đầu từ bất động sản ở Thái Lan.

Từ các nhận định trên, Đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu rõ, chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2024 là rất kịp thời và nên đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cũng thống nhất cao với Tờ trình về dự thảo Nghị quyết dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Đại biểu nhấn mạnh, hoạt động giám sát tối cao là một hoạt động quan trọng của Quốc hội, nhằm đảm bảo việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, nên việc nâng cao hiệu quả giám sát sẽ có đóng góp lớn cho nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Đại biểu cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian qua đã có nhiều bước tiến tích cực, nhiều tiến bộ rõ rệt, có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận, cách thức tổ chức, tiến hành công việc, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) phát biểu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác giám sát vẫn còn một số điểm hạn chế cần khắc phục để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động quan trọng này. Đại biểu cho rằng, cần quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị giám sát, đề cương xây dựng báo cáo giám sát cần chi tiết, yêu cầu báo cáo cụ thể các nội dung giám sát, cần thành lập tổ công tác, giúp việc của đoàn giám sát là những cán bộ, chuyên gia, các Đại biểu Quốc hội có chuyên môn sâu về lĩnh vực giám sát.

Bên cạnh đó, Đại biểu đề nghị cần tích cực thu thập các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về nội dung giám sát. Tổ công tác của đoàn giám sát cần làm việc trước với cơ quan đơn vị liên quan, xác minh, làm rõ những vấn đề cần thiết trước khi đoàn giám sát làm việc chính thức với đơn vị chịu sự giám sát. Sau giám sát, phải ban hành kết luận Nghị quyết của cuộc giám sát, Nghị quyết kết luận giám sát phải nêu cụ thể các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, có kiến nghị, yêu cầu cụ thể.

Ngoài ra, trong quá trình giám sát, nếu phát hiện có vi phạm, đoàn giám sát cần báo cáo kịp thời với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội để chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trong-qua-trinh-giam-sat-neu-phat-hien-vi-pham-thi-phai-kip-thoi-chuyen-co-quan-co-tham-quyen-xu-ly-post249358.html