Trụ đỡ cho sản xuất nông nghiệp phát triển

Khép lại một năm Canh Tý đầy biến động của thị trường do tác động của dịch Covid-19, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến của Sơn La ngày một tăng trong cơ cấu nền kinh tế chung của tỉnh. Minh chứng rõ nét nhất là tỉnh ta đã thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến đầu tư; những nhà máy chế biến mọc lên, nhiều vùng chuyên canh phục vụ cho các nhà máy chế biến đã được hình thành.

Sản phẩm cà phê của Công ty cổ phần Cà phê Phúc Sinh Sơn La xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Sản phẩm cà phê của Công ty cổ phần Cà phê Phúc Sinh Sơn La xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Những ngày cuối năm, công việc bận rộn, nhưng bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La vẫn dành thời gian cho phóng viên. Theo bà, điểm nhấn cơ bản cho thành công của ngành công nghiệp chế biến trong 5 năm qua là tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện cơ chế, chính sách về xúc tiến thu hút đầu tư, hỗ trợ hạ tầng đến chân hàng rào dự án, các chính sách phát triển nông nghiệp, về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, vùng nguyên liệu giữa các HTX với doanh nghiệp. Kết quả là đã thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống, bảo quản và xuất khẩu các sản phẩm từ nông nghiệp đang là thế mạnh của tỉnh Sơn La. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp chế biến đạt 8,08%/năm; chiếm 29,4% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Sơn La những năm gần đây đã vươn lên trở thành vùng sản xuất nông nghiệp lớn của miền Bắc. Thành công của chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới có giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh; sản lượng nông nghiệp tăng cao từng năm. Bước chuyển dịch từ cây lúa, cây ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả với diện tích tăng nhanh từ 25.000 ha lên đến 75.000 ha cây ăn quả. Duy trì và phát triển nhiều vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến, như chè, mía đường; những vùng rau an toàn được mở rộng... là cuộc cách mạng của nông nghiệp Sơn La. Sản phẩm nông sản của tỉnh đã và đang chinh phục không chỉ thị trường trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Năm 2020, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh đã đạt 104 triệu USD. Nhiều sản phẩm như: xoài, nhãn, chanh leo, cà phê... đã có mặt tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật bản, Pháp, Autralia...

Công nhân nhà máy cao su Sơn La 28/10 trong ca sản xuất.

Công nhân nhà máy cao su Sơn La 28/10 trong ca sản xuất.

Ảnh: Ngọc Thuấn

Mặc dù giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh năm sau cao hơn năm trước, song về tỷ trọng xuất khẩu vẫn còn thấp so với sản lượng nông sản hiện có. Người nông dân vẫn chủ yếu bán sản phẩm thông qua thương lái tự do. Câu chuyện tranh mua, tranh bán, tư thương ép giá hay được mùa mất giá vẫn có thể sẽ xảy ra. Trước tình hình đó, tỉnh đã tăng cường công tác mời gọi đầu tư vào ngành bảo quản chế biến nông sản các sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu. Với việc thực hiện hiệu quả các giải pháp thu hút đầu tư phát triển chế biến nông sản, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 47 cơ sở, xưởng, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, sản lượng trên 150.000 tấn sản phẩm/năm, bước đầu xây dựng chuỗi liên kết hàng hóa trong nông nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt trong 5 năm qua, cùng với các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, đã có 8 dự án nhà máy chế biến công suất lớn được khởi công và đi vào hoạt động. Đó là Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, khởi công xây dựng Trung tâm Chế biến rau, quả Doveco Sơn La tại xã Hát Lót (Mai Sơn) với quy mô hơn 50.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, với Dự án gồm tổ hợp 3 nhà máy, có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay. Nhà máy chế biến nước quả cô đặc, công suất thiết kế 20.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ và thiết bị của Tropical Food (Italia); nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, sử dụng công nghệ và thiết bị của Nhật Bản; nhà máy chế biến rau quả, rau đồ hộp, công suất thiết kế 20.000 tấn sản phẩm/năm, sử dụng công nghệ, thiết bị của Italia và Đức, dự kiến, tháng 5/2021, nhà máy sẽ vận hành dây chuyền sản xuất quả đầu tiên...

Vùng trồng dứa nguyên liệu của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Vùng trồng dứa nguyên liệu của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Ông Đinh Cao Khuê, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: Việc xây dựng Trung tâm chế biến rau, quả là tiền đề cho việc hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành với người dân trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông sản; nâng cao giá trị hàng hóa cho bà con nông dân, nâng cao thu nhập cho danh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Còn đối với Nhà máy Phúc Sinh Sơn La thuộc Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La - một trong những dự án được tỉnh cấp chủ trương đầu tư năm 2017, khởi công xây dựng và đi vào hoạt động từ cuối năm 2018. Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Nhà máy đã giúp cho các sản phẩm cà phê của Sơn La xuất khẩu nhiều hơn đến các thị trường nước ngoài. Anh Trương Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty giới thiệu: Hệ thống máy móc của chúng tôi được đầu tư đồng bộ, thế hệ mới nhất, cho phép sản xuất khép kín từ quả cà phê tươi theo phương pháp ướt, với công suất 20.000 tấn quả tươi/năm; khu xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, hiện đại với công suất 200 m³/ngày đêm. Hiện, Công ty đang tạo việc làm cho 30 lao động địa phương, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc tiêu thụ sản phẩm cà phê, Công ty chúng tôi đang thực hiện việc đầu tư cho vùng trồng hữu cơ để gia tăng độ chế biến sâu hơn đối với sản phẩm cà phê Sơn La. Cụ thể, từ vùng trồng, Công ty phối hợp cùng các hộ sản xuất thực hiện các yêu cầu theo chuẩn UTZ. Quy trình đào tạo và chuyển giao công nghệ được nhà máy áp dụng liên tục để góp phần mở rộng hơn nữa vùng trồng, nâng cao sản lượng cho tương xứng với tiềm năng của cà phê Arabica Sơn La.

Hàng loạt các nhà máy lớn của các tập đoàn, công ty lớn, như: Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược (Tập đoàn TH); nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả của Công ty CP Nafoods Tây Bắc (Mộc Châu); nhà máy chế biến rau củ xuất khẩu tại huyện Vân Hồ của Tập đoàn IC Food; Nhà máy Phúc Sinh Sơn La; Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty CP cao su Sơn La (Thuận Châu); nhà máy tinh bột sắn của Công ty chế biến nông sản Phú Yên - Chi nhánh Sơn La và Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La (Mai Sơn) đã đi vào sản xuất, sẽ mang những sản phẩm nông sản thương hiệu Sơn La trực tiếp xuất khẩu ra thị trường các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong bước đi tiếp theo, tỉnh ta sẽ tiếp tục xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển các sản phẩm lợi thế, chủ lực của từng địa phương nhằm đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, nhất là các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt để đáp ứng theo tiêu chuẩn của các nhà máy chế biến.

Năm Tân Sửu đã đến, những kết quả đạt được và bước bứt phá ấn tượng trong năm vừa qua sẽ là động lực tiếp sức để ngành công nghiệp tỉnh tiếp tục vững bước trên chặng đường phía trước.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tru-do-cho-san-xuat-nong-nghiep-phat-trien-37578