Trump-Biden 'so găng' hiệp 1: Mất kiểm soát, không ai thắng ai
Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden được đánh giá là 'mất kiểm soát', giống như 'một cuộc tranh cãi hỗn loạn', không ai giành chiến thắng.
21h00 tối 29/9 (giờ Mỹ), tức 8h00 ngày 30/9 (giờ Việt Nam), hai ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã bước vào vòng đấu trực tiếp đầu tiên tại trường Đại học Notre Dame, thành phố Cleveland, bang Ohio, mở màn cho ba cuộc tranh luận sẽ diễn ra trong giai đoạn nước rút của cuộc đua vào Nhà Trắng 2020 sắp tới.
Có 6 nội dung tranh luận chính được đưa hai ứng cử viên đưa ra thảo luận, gồm: Hồ sơ của hai ứng cử viên, Tòa án tối cao, đại dịch COVID-19, kinh tế Mỹ, chủng tộc và bạo lực tại Mỹ, tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tổng thống. Trong từng chủ đề, mỗi ứng cử viên có hai phút để trả lời câu hỏi mà người dẫn chương trình đưa ra và sau đó sẽ trực tiếp hỏi đáp, tranh luận với đối thủ.
Một trong những vấn đề được đánh giá là được nhiều người quan tâm và có thể ảnh hưởng đến mức độ ủng hộ của cử tri đối với hai ứng viên đó là dữ liệu kê khai thuế.
Chỉ vài giờ trước khi diễn ra trận “debate” đầu tiên, ứng viên Joe Biden và ứng viên liên danh Kamala Harris đã công bố dữ liệu khai thuế liên bang và bang của họ trong năm 2019. Đây được coi là động thái thách thức Tổng thống Trump, cũng như là dấu hiệu báo trước đòn tấn công mạnh mẽ từ ứng cử viên Đảng Dân chủ trong vấn đề này tại cuộc tranh luận.
Trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên qua điện thoại, bà Kate Bedingfield - Phó Quản lý chiến dịch tranh cử của ông Biden, nhấn mạnh rằng, việc công khai hồ sơ thuế cho thấy “đây là một mức độ minh bạch lịch sử nhằm một lần nữa mang lại niềm tin cho người dân Mỹ rằng, các lãnh đạo của họ sẽ quan tâm đến họ chứ không phải kết quả bầu cử của riêng mình”.
Đối với ứng viên đương kim Tổng thống Donald Trump, dường như ông bước vào trận “so găng” đầu tiên với nhiều bất lợi hơn, khi trước đó, vào ngày 27/9, tờ New York Times đưa ra thông tin cho rằng, trong hồ sơ sơ thuế 20 năm qua, Tổng thống Trump chỉ chỉ nộp 750 USD tiền thuế thu nhập cá nhân cho mỗi năm trong hai năm 2016 và 2017. Ngoài ra, trong 15 năm qua, có 10 năm ông Trump không nộp thuế thu nhập, mặc dù năm 2018 ông thu lời 427,4 triệu USD từ chương trình truyền hình thực tế ăn khách và các thương vụ được chứng thực và cấp phép khác. Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhiều lần bác bỏ những thông tin trên khi khẳng định đó là “tin giả”.
Và ngay tại trận “debate”, khi được người dẫn chương trình Chris Wallace của kênh Fox News trong vai trò điều phối hỏi: “Liệu có thật không khi ông chỉ đóng 750 USD tiền thuế thu nhập liên bang trong hai năm?”, nhà lãnh đạo Mỹ trả lời: “Tôi đã đóng hàng triệu USD tiền thuế, hàng triệu USD thuế thu nhập cá nhân. Các ông sẽ thấy bản kê khai sau khi có”. Ông chủ Nhà Trắng còn tiết lộ số tiền thuế mà ông phải nộp trong một năm có khi lên tới 38 triệu USD.
Cuộc tranh luận kéo dài trong khoảng 90 phút. Tuy nhiên, nhiều người chứng kiến ông Trump thường xuyên ngắt lời đối thủ, khiến ông Biden nhiều lần lâm vào tình thế không thể nói hết câu. Thậm chí, Chris Wallace trong vai trò điều phối một số lần đã phải yêu cầu ông Donald Trump để ứng viên Joe Biden nói hết.
Trong trận debate đầu tiên, mặc dù Tổng thống Trump được cho là chiếm diễn đàn nhiều hơn, tuy nhiên, cuộc thăm dò dư luận do CBS News tiến hành cho biết 48% khán giả cho rằng Biden đã giành chiến thắng, trong khi tỉ lệ này đối với Tổng thống Trump là 41% . Có 10% chưa đưa ra quyết định.
Trong khi đó, cuộc thăm dò do kênh truyền hình CNN thực hiện cũng cho thấy 60% khán giả nhận định ông Biden đã thắng cuộc tranh luận, Tổng thống Trump chỉ nhận được 28%.
Kết quả cuộc thăm dò này cũng cho thấy 69% khán giả cảm thấy “khó chịu” khi xem hai ứng cử viên tranh cãi và công kích nhau trong hầu hết 90 phút của cuộc tranh luận. Các nhận định tương tự cũng thấy trong các nhóm chính trị và truyền thông khác nhau.
Đánh giá về trận đấu trực tiếp đầu tiên, nhiều người cho rằng 90 phút đã diễn ra trong trạng thái “mất kiểm soát”, giống như là một cuộc tranh cãi hơn là một cuộc tranh luận đúng nghĩa (debate) giữa hai ứng viên chính trị gia đã ngoài 70 tuổi. Một số chuyên gia nhận định không ai giành chiến thắng trong cuộc tranh luận này, bởi đây là cuộc tranh cãi hỗn loạn, gián đoạn với sự công kích và tấn công tồi tệ nhất giữa hai ứng cử viên tranh cử tổng thống.
Và để các cuộc thảo luận trong các vòng tranh luận tiếp theo diễn ra trong trật tự, Ủy ban Tranh luận Tổng thống (một tổ chức phi đảng phái, chuyên tổ chức các vòng tranh luận trong khuôn khổ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1988), cho biết sẽ bổ sung các quy định mới đối với thể thức tranh luận hiện hành. Những công cụ mới này dự kiến sẽ được áp dụng trong những vòng tranh luận còn lại, theo AP.
Cuộc tranh luận bầu cử Mỹ tiếp theo giữa ông Donald Trump và Joe Biden dự kiến diễn ra ngày 15/10 tại Miami. Steve Scully, biên tập viên chính trị tại C-SPAN, là người điều phối cuộc tranh luận thứ hai.
Cuộc tranh luận bầu cử Mỹ thứ ba được lên kế hoạch vào ngày 22/10 tại Đại học Belmont ở Nashville. Phóng viên Nhà Trắng của NBC News Kristen Welker sẽ đảm nhận điều phối.