Trưng bày di sản văn hóa dân tộc Mường tại Hải Phòng

Trưng bày giới thiệu hơn 250 tài liệu, hiện vật gốc về 4 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 10/5, tại TP Hải Phòng, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp Bảo tàng tỉnh Hòa Bình tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” và thực hiện chương trình trải nghiệm văn hóa nghệ thuật, ẩm thực của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2023) và Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2023.

 Lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình”. Ảnh: LĐ

Lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình”. Ảnh: LĐ

Tại trưng bày chuyên đề "Di sản Văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” có hơn 250 tài liệu, hiện vật gốc, giới thiệu về 4 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật Chiêng Mường, Mo Mường, Tri thức lịch Đoi (lịch tre) và Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường.

Ngoài ra, trưng bày cũng giới thiệu về sưu tập gốm cổ trong mộ Mường; sưu tập trống đồng và cổ vật đồ đồng; nghề thủ công truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình và 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.

Đến với không gian trưng bày, công chúng sẽ có những trải nghiệm thú vị và những kiến thức về văn hóa dân tộc Mường thông qua các mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, kiến trúc nhà ở… Đặc biệt, người dân Hải Phòng sẽ được hòa mình cùng những bản hòa tấu trống chiêng, những câu hát, điệu múa suối nguồn…

Cùng với hoạt động trưng bày, tại Bảo tàng Hải Phòng cũng diễn ra chương trình trải nghiệm văn hóa nghệ thuật, ẩm thực dân tộc Mường với những món ăn đặc trưng, đơn giản, dân dã mang hương vị của núi rừng, sông suối nhưng vô cùng độc đáo, hấp dẫn như rượu cần, cơm lam, cỗ lá…

 Di sản văn hóa dân tộc Mường có dấu ấn đậm nét trong nhiều lĩnh vực: Kiến trúc, trang phục, di tích lịch sử, cổ vật... Ảnh: Thanh Sơn

Di sản văn hóa dân tộc Mường có dấu ấn đậm nét trong nhiều lĩnh vực: Kiến trúc, trang phục, di tích lịch sử, cổ vật... Ảnh: Thanh Sơn

 Các đại biểu tham quan khu trưng bày chuyên đề. Ảnh: Thanh Sơn

Các đại biểu tham quan khu trưng bày chuyên đề. Ảnh: Thanh Sơn

 Hoạt động trải nghiệm ẩm thực với món ăn đặc trưng dân tộc Mường ở Hòa Bình diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/5. Ảnh: LĐ

Hoạt động trải nghiệm ẩm thực với món ăn đặc trưng dân tộc Mường ở Hòa Bình diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/5. Ảnh: LĐ

Theo bà Bùi Thị Niềm - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, người Mường ở Hòa Bình luôn tự hào là cái nôi của nền "văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng cách ngày nay trên hai vạn năm.

Trong di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, di sản văn hóa dân tộc Mường có dấu ấn đậm nét trong nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ nét trong kiến trúc nhà sàn, trang phục dân tộc, văn hóa ẩm thực, trong các di tích lịch sử văn hóa, cổ vật và ở các lĩnh vực: phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn…

Đợt trưng bày diễn ra từ ngày 10/5 đến hết ngày 10/6.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-bay-di-san-van-hoa-dan-toc-muong-tai-hai-phong-post247159.html