Trung Quốc chọn Thượng Hải làm địa điểm đàm phán với Mỹ

Việc chọn Thượng Hải thay thế Bắc Kinh làm nơi tổ chức vòng đàm phán tiếp theo với Mỹ cho thấy Trung Quốc muốn ngầm gửi thông điệp rằng, các cuộc thảo luận giữa hai bên phải tập trung vào thương mại, chứ không được xen vào yếu tố chính trị.

 Thượng Hải được xem là trung tâm tài chính của Trung Quốc đồng thời là biểu tượng của công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế của nước này. Ảnh: Bloomberg

Thượng Hải được xem là trung tâm tài chính của Trung Quốc đồng thời là biểu tượng của công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế của nước này. Ảnh: Bloomberg

Hôm 24-7, Nhà Trắng thông báo Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến Bắc Kinh trong hai ngày 30 và 31-7 để dự vòng đàm phán trực tiếp lần thứ 12 với phái đoàn thương mại Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết hai bên sẽ tiếp tục thảo luận hướng đến mục tiêu cải thiện mối quan hệ thương mại và các vấn đề thảo luận sẽ bao gồm “tài sản sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, các hàng rào phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại và cơ chế thực thi thỏa thuận thương mại”.

Một điểm khác lạ trong thông báo này là Thượng Hải được Trung Quốc chọn làm nơi đàm phán chứ không phải Bắc Kinh như các vòng đàm phán trước đây.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói rằng tổ chức đàm phán ở địa điểm khác không có gì bất thường. “Thượng Hải có các điều kiện thuận lợi để tổ chức các cuộc tham vấn”, người phát ngôn nói.

Song giới phân tích cho rằng Trung Quốc chọn Thượng Hải, trung tâm tài chính của đất nước và là một biểu tượng của công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế, để tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp giữa quan chức thương mại của hai bên là nhằm gửi thông điệp rằng: Trung Quốc muốn thấy các cuộc đàm phán phải bàn về các vấn đề thương mại cụ thể, chứ không phải chính trị.

Các vấn đề này bao gồm vai trò của tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei và kế hoạch Trung Quốc mua hàng hóa nông sản Mỹ như đậu nành, chứ không phải các vấn đề rộng lớn hơn liên quan đến chính trị, chẳng hạn vai trò của chính phủ Trung Quốc trong nền kinh tế.

Theo cựu chuyên gia đàm phán thương mại của chính phủ Mỹ, Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Hội Châu Á, “có nhiều lý do để chọn Thượng Hải làm nơi đàm phán, bao gồm việc cho phép mỗi bên giới hạn quy mô phái đoàn đàm phán”.

Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng ở Công ty công nghệ số hóa JD Digits, cho rằng quyết định thay đổi địa điểm đàm phán nhằm gửi thông điệp phải tách biệt rõ thương mại và chính trị. Ông cho rằng với việc chọn Thượng Hải làm nơi tổ chức vòng đàm phán tiếp theo, Trung Quốc đang cố gắng tập trung vào các vấn đề kỹ thuật chẳng hạn Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận công nghệ với Huawei và nước này mua hàng hóa nông sản Mỹ, thay vì các vấn đề khó giải quyết liên quan đến chính trị.

Chang Jian, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng Barclays, cho rằng việc chọn lựa Thượng Hải là dấu hiệu cho thấy mục tiêu ban đầu của vòng đàm phán sắp tới sẽ “nhỏ hơn”, tập trung vào các dàn xếp về xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên, thay vì những thay đổi cấu trúc trong mô hình kinh tế của Trung Quốc.

“Điều này cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho tiến trình đàm phán thương mại kéo dài trong nhiều năm. Đối với nước này, điều kiện tiên quyết để đạt được một thỏa thuận lớn là Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các biện pháp áp thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc nhưng Mỹ rất khó chấp nhận”, ông cho biết.

Trong khi đó, David Dollar, học giả cao cấp ở Trung tâm John L. Thornton Trung Quốc thuộc Viện Brookings (Mỹ), cho rằng cả hai bên đã phát tín hiệu rằng sẽ không đạt được sự đột phá nào trong vòng đàm phán lần này, vậy nên nơi mà quan chức thương mại hai bên gặp nhau không còn quan trọng.

Giới phân tích cũng nhận định Trung Quốc chọn Thượng Hải làm nơi tổ chức cuộc đàm phán thương mại sắp tới nhằm nhắc nhở Mỹ về tính biểu tượng của thành phố này. Thượng Hải là nơi Trung Quốc và Mỹ đã ký Thông cáo chung Thượng Hải trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon vào năm 1972, dọn đường cho việc ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ quan giao giữa hai nước vào cuối thập niên 1970.

Thượng Hải cũng là nơi Trung Quốc tổ chức Triển lãm Xuất nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất hồi tháng 11 năm ngoái với sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ hơn 80 nước. Trong bài phát biểu khai mạc cuộc triển lãm đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu ra hàng loạt biện pháp cải cách để chứng tỏ nước này tiếp tục mở cửa nền kinh tế đối với các công ty nước ngoài.

Vòng đàm phán vào tuần sau ở Thượng Hải là cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên giữa hai nước kể từ sau khi đàm phán Mỹ-Trung sụp đổ hồi đầu tháng 5 khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc rút lại các cam kết đã đưa ra trong một bản dự thảo thỏa thuận thương mại. Tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Nhật Bản hồi cuối tháng trước, lãnh đạo của hai nước cũng đã nhất trí dừng áp các đòn thuế mới và nối lại đàm phán.

Phía Trung Quốc giờ đây sẵn sàng cho các cuộc đàm phán kéo dài vì giới lãnh đạo ở Bắc Kinh cho rằng ông Trump không còn quan tâm đến nỗ lực ký kết thỏa thuận thương mại trong ngắn hạn mà chỉ muốn sử dụng các cuộc đàm phán như là một phần của cuộc vận động tái cử vào năm 2020.

Cuộc đàm phán tuần sau sẽ có sự góp mặt của Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn trong phái đoàn Trung Quốc. Một số quan chức ở Washinhton đang lo ngại sự hiện diện của ông Chung Sơn là dấu hiệu cho thấy ông Tập đang theo đuổi lập trường thương mại cứng rắn hơn với Mỹ.

Theo SCMP, The Australian, Nikkei Asian Review

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292001/trung-quoc-chon-thuong-hai-lam-dia-diem-dam-phan-voi-my.html