Trong biên chế quân đội chính phủ Syria (SAA) hiện có 2 tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PM đã được Nga nâng cấp lên chuẩn S-300PMU-2 Favorit bằng các khí tài nội địa.
Nga cho rằng tính năng kỹ chiến thuật của tổ hợp S-300 trong tay SAA thậm chí còn cao cấp hơn nhiều tổ hợp S-300PMU-2 mà họ xuất khẩu cho nhiều quốc gia khác.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-2 này được cho là cung cấp "sự bảo vệ không thể xuyên thủng" cho không phận Syria, nhưng đã bị chế giễu nặng nề trên truyền thông Trung Quốc.
Mặc dù thực tế là tổ hợp S-300 này được cho là kiểm soát máy bay Israel ngay cả trong không phận Nhà nước Do Thái, nhưng theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc, hệ thống phòng không chỉ cho thấy sự vô ích hoàn toàn.
Ấn phẩm của Sina của Trung Quốc thực sự chú ý đến việc các hệ thống phòng không S-200 của Syria ít nhất phản ứng với mối đe dọa và 1 máy bay chiến đấu của Israel đã bị bắn hạ bằng vũ khí này.
Tuy nhiên như các chuyên gia lưu ý, các hệ thống phòng không S-300PMU-2 được chuyển tới Syria cho thấy hiệu quả bằng không khi chưa phóng bất cứ tên lửa nào, thậm chí radar của chúng còn chẳng nhìn thấy máy bay Israel.
"Bạn có thể đặt ra một câu hỏi đó là tại sao hệ thống tên lửa phòng không S-200 liên tục được sử dụng nhưng S-300 tối tân hơn lại chẳng được như vậy"?
"Các đặc tính của S-300 có tệ như S-200 từ thiên niên kỷ trước hay không? Tại sao Israel dễ dàng ném bom Syria, nhưng S-300 không thể bảo vệ không phận nước này, hiệu quả của nó thực sự bằng không".
"Trong lãnh thổ Syria, quyền sử dụng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa này được kiểm soát chặt chẽ bởi quân đội Nga, có thể S-300 được lệnh không tham gia chiến đấu".
"Tuy nhiên vì lý do rõ ràng kể trên, quân đội Syria nhận thấy sự kém hiệu quả của hệ thống phòng không do Nga sản xuất trên chiến trường, họ rất thất vọng với nó", báo cáo của Sina cho biết.
Cần làm rõ câu hỏi liên quan đến hiệu quả của S-300PMU-2, tổ hợp vũ khí vẫn được quân đội Nga định vị là hệ thống phòng không hiệu quả cao, thậm chí có thể phát hiện mục tiêu tàng hình.
Tuy nhiên không rõ vì sao cả Moskva lẫn Damascus đều không có ý kiến gì về sự kém hiệu quả của S-300PMU-2, có thể do chính quyền Syria quá phụ thuộc vào Nga khiến họ không thể có ý kiến.
Ngoài ý kiến của Sina, các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng nhận định của tờ báo Trung Quốc là không sai nhưng còn ẩn giấu mục đích thực sự phía sau.
Toan tính của Trung Quốc khi chế giễu S-300PMU-2 của Nga có thể là nhằm "dọn đường" cho hệ thống phòng không tầm xa HQ-9 của mình, khi ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm đến nó.
Thậm chí gần đây chính quân đội Syria cũng được cho là đang xem xét khả năng thay thế S-300PMU-2 của Nga bằng HQ-9 để có thể phản ứng tốt hơn trước cuộc tấn công của Israel.
Bạch Dương