Trung Quốc khó quản lý việc phá thai

Nhiều phụ nữ trẻ tại Trung Quốc cho biết họ muốn được tôn trọng quyền tự quyết đối với cơ thể mình.

Tháng 9 năm ngoái, Zhang Jun (34 tuổi, độc thân) có mặt tại một phòng khám tư nhân ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Cô không khám những bệnh thông thường như đau đầu hay tiêu hóa mà hẹn lịch cho một cuộc phẫu thuật phá thai.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Theo Tạp chí Sản phụ khoa Trung Quốc, trong 5 năm qua, có đến 9,5 triệu ca phá thai/năm được ghi nhận.

Trong khi đó, vào năm 2021, Trung Quốc chỉ có 10,62 triệu ca sinh. Điều này có nghĩa là số ca nạo phá thai và số ca sinh sản gần như bằng nhau.

Theo Zaobao, tỷ lệ phá thai cao đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng dân số tại Trung Quốc. Trong kế hoạch hoạt động năm 2022, Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình (CFPA) liệt kê việc "can thiệp" phá thai ở những người phụ nữ chưa kết hôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nỗ lực giảm thiểu nạo phá thai, cải thiện sức khỏe sinh sản phụ nữ và thúc đẩy gia tăng dân số.

Kế hoạch này lập tức gây ra phản ứng dữ dội kéo dài gần một tháng. Nhiều người cho rằng nhà nước đang từng bước cấm phá thai đối với phụ nữ chưa lập gia đình.

Trước phản ứng này, CFPA làm rõ thông tin rằng "can thiệp" có nghĩa là tăng cường các nhiệm vụ tư vấn giáo dục và các cuộc khảo sát nhắm vào thanh thiếu niên.

 Nhân viên y tế đang chăm sóc trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Hình ảnh được ghi lại vào ngày 25/4/2021. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế đang chăm sóc trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Hình ảnh được ghi lại vào ngày 25/4/2021. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, những phụ nữ như Zhang Jun vẫn không hề ủng hộ.

Cô cho biết mình là người rất tin tưởng vào lối sống độc thân và không con cái. Theo cô, khi một phụ nữ quyết định phá thai, đó là lựa chọn và niềm tin sâu xa của họ về việc sinh con, được hình thành qua thời gian dài và sẽ không có sự tư vấn hay trợ giúp nào khiến họ dễ dàng thay đổi.

Năm 2019, cô cháu gái 14 tuổi của Zhang đã tự vẫn do chứng trầm cảm. Sự việc đáng buồn này ảnh hưởng sâu sắc đến Zhang. Chị gái và anh rể của cô có cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Trong đó, người anh rể và bố mẹ chỉ thích con trai hơn con gái. Vì vậy, cháu gái của Zhang bị bỏ rơi và không cảm thấy được yêu thương.

"Nếu bạn không có sự chuẩn bị tốt nhất, việc có một đứa trẻ ra đời ngoài ý muốn sẽ mang lại nỗi đau cho mọi người. Cái chết của cháu gái khiến tôi nhận ra rằng mình không thể chịu trách nhiệm về cuộc sống của người khác", cô nói.

Hậu quả kéo dài của chính sách một con

Kể từ khi Trung Quốc thực hiện kế hoạch hóa gia đình vào những năm 1970, chủ đề phá thai đã được tranh luận rộng rãi. Việc đông đảo phụ nữ nơi đây chấp nhận phá thai được coi là hậu quả tiêu cực của chính sách một con.

Yi Fuxian, nhà khoa học cấp cao tại Đại học Wisconsin-Madison, cho biết dựa trên số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, tỷ lệ phá thai của nước này đạt 42,7% vào năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Nhật Bản, Singapore, Mỹ hay Israel chỉ dao động trong khoảng 8,8% đến 15,3% vào năm 2019.

Tỷ lệ phá thai cao của Trung Quốc cũng góp phần để dẫn đến tỷ lệ vô sinh cao, từ 1-3% vào đầu những năm 1980 lên đến 18% vào năm 2020, cao hơn nhiều so với Mỹ và các nước phát triển khác.

 Người dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc xuống đường đón Tết Nguyên đán vào ngày 29/1/2022. Ảnh: Reuters.

Người dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc xuống đường đón Tết Nguyên đán vào ngày 29/1/2022. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, Trung Quốc có một ngành công nghiệp phá thai khổng lồ. Yi chỉ ra rằng trong khi các nhà chức trách tìm cách ngăn chặn việc xác định giới tính trước khi sinh, tỷ số giới tính của quốc gia này vẫn ở mức cao với 120 bé trai trên 100 bé gái trong suốt một thời gian dài.

Thậm chí, đến năm 2021, con số này vẫn ở mức 112 bé trai trên 100 bé gái, cao hơn so với tỷ lệ trung bình là 102-106 bé trai trên 100 bé gái của thế giới.

Điều này cho thấy tình trạng phá thai, chọn lọc giới tính bất hợp pháp vẫn diễn ra phổ biến ở Trung Quốc, gây khó khăn cho việc điều chỉnh tỷ lệ phá thai thông qua các chính sách của chính phủ.

Yi cũng cho rằng tỷ lệ phá thai cao phản ánh tư tưởng đạo đức bị xói mòn tại Trung Quốc.

"Nhiều người coi phá thai như một loại bệnh thông thường", ông nói.

Phản bác quan điểm của Yi, Zhang cho rằng việc mình phá thai không có nghĩa là không coi trọng tính mạng con người.

Ngược lại, phá thai được thực hiện vì sự tôn trọng mạng sống của con người và sự hiểu biết hợp lý rằng người ta không nên có con nếu không thể tạo cho chúng một môi trường, gia đình tốt.

Phụ nữ muốn được tự quyết định cơ thể mình

Cũng theo Zaobao, các chính sách hỗ trợ sinh sản mới đây của Trung Quốc tiếp tục mâu thuẫn với quyền tự chủ sinh sản của phụ nữ.

Chen Xintong, một giám đốc điều hành 27 tuổi, sẵn sàng kết hôn và sinh con. Tuy nhiên, cô không đồng tình việc chính phủ can thiệp vào quyết định phá thai của những người phụ nữ chưa kết hôn. Cô tin rằng phụ nữ nên có toàn quyền quyết định đối với cơ thể của mình.

 Một đứa trẻ thả diều cùng người lớn tại Công viên Fenhe, Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc vào ngày 8/3/2022. Ảnh: CNS.

Một đứa trẻ thả diều cùng người lớn tại Công viên Fenhe, Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc vào ngày 8/3/2022. Ảnh: CNS.

Phó giáo sư Shen Hsiu-hua, Viện xã hội học, Đại học Quốc gia Tsing Hua, chỉ ra rằng cách đây không lâu, chính phủ Trung Quốc đã can thiệp mạnh mẽ vào các vấn đề sinh sản của phụ nữ thông qua chính sách một con.

Giờ đây, họ lại tiếp tục can thiệp bằng các chính sách khuyến khích sinh sản, một lần nữa thể hiện sự không tôn trọng đến quyền tự chủ cơ thể của phụ nữ, thậm chí gây ra cảm giác sợ hãi.

Vị giáo sư tin rằng chính phủ muốn thực hiện "tiêu chuẩn kép" vừa muốn gia tăng dân số, vừa muốn đảm bảo quyền phụ nữ là không khả quan. Ngày nay, phụ nữ không muốn ai tác động, thay đổi quan điểm của mình về việc sinh đẻ.

Trong khi đó, Yi nói rằng các chính sách kiểm soát dân số trong quá khứ của Trung Quốc đã tạo ra nhiều vấn đề về nhân khẩu học và cần phải có một loạt cải cách trước khi mong muốn tăng tỷ lệ sinh.

Chỉ dựa vào việc hạn chế phá thai có thể gây phản tác dụng hoặc thậm chí gây ra các cuộc khủng hoảng xã hội khác, chẳng hạn như nạn phá thai bất hợp pháp - việc làm có thể gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của phụ nữ.

Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-kho-quan-ly-viec-pha-thai-post1302769.html