Trung Quốc siết chặt hoạt động dạy học thêm

Trong một cuộc thanh tra gần đây, một cá nhân và 6 cơ sở đã bị xử phạt vì cung cấp dịch vụ dạy thêm sau giờ học không có giấy phép, vi phạm các quy định của chính phủ.

Cụ thể, Ủy ban Giáo dục thành phố Bắc Kinh cho biết, cá nhân bị xử phạt mang họ Gong, bị phát hiện "tổ chức dạy thêm trái phép các môn học trong chương trình giảng dạy" tại một quán cà phê ở quận Bình Cốc.

Tháng trước, Hội đồng Nhà nước, nội các Trung Quốc, đã ban hành các quy định bao gồm những thay đổi sâu rộng đối với ngành dạy thêm sau giờ học, mong muốn giảm tải gánh nặng học tập cho học sinh. Tuy nhiên, vì các bậc phụ huynh vẫn cảm thấy nguồn giảng dạy bổ sung là cần thiết, một số đã chuyển sang tìm kiếm dịch vụ dạy 1 kèm 1 hoặc theo nhóm nhỏ.

Quy định mới cũng cấm chính quyền địa phương phê duyệt hoạt động cho các công ty giáo dục tư nhân mới mở, cung cấp dịch vụ dạy kèm các môn học trong chương trình tiểu học và trung học cơ sở, trong khi yêu cầu các công ty hiện có đăng ký với tư cách là tổ chức phi lợi nhuận. Theo Hội đồng Nhà nước, các khóa học dạy thêm sau giờ không nên được tổ chức vào cuối tuần hoặc các ngày lễ quốc gia.

Các quy định nghiêm ngặt khiến ngành kinh doanh giáo dục tư nhân rơi vào tình trạng hỗn loạn, một số công ty phải sa thải nhân viên và một số khác phải đóng cửa.

Tuy nhiên, một số công ty, tổ chức đã chuyển sang dạy học quy mô nhỏ nhưng với chi phí cao để đáp ứng nhu cầu từ một số phụ huynh.

Một gia sư có bằng thạc sĩ tại Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân cho biết thường tính phí 1.500 nhân dân tệ đến 2.000 nhân dân tệ (5,2 triệu VNĐ đến hơn 7 triệu VNĐ) cho một buổi học kéo dài hai tiếng đồng hồ, trong khi một số gia sư phổ thông có trình độ học vấn từ các trường đại học hàng đầu có thể tính phí cao tới 4.000 nhân dân tệ đến 5.000 nhân dân tệ (14 triệu VNĐ đến gần 18 triệu VNĐ) cho một lớp học.

Tian Zhilei, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Tài chính Giáo dục Trung Quốc cho biết việc siết chặt ngành dạy thêm có nguy cơ thúc đẩy việc học chui, gây khó cho chính quyền trong việc giám sát.

Dong Shengzu, chủ nhiệm Viện Nghiên cứu Giáo dục phi Chính phủ thuộc Học viện Khoa học Giáo dục Thượng Hải, cho rằng việc dạy thêm một kèm một cần được quản lý chặt chẽ để không biến tướng thành một chuẩn mực mới của giáo dục.

Theo Bộ Giáo dục, các cơ quan giáo dục cũng đã tăng cường giám sát giáo viên, cấm tổ chức các lớp học sau giờ hoặc làm công việc bán thời gian tại các cơ sở dạy thêm.

Tuy nhiên, Ma Xuelei, Phó chủ tịch chi nhánh nghiên cứu của Hiệp hội Giáo dục phi Chính phủ Trung Quốc, lưu ý rằng bên cạnh việc trấn áp tình trạng dạy thêm sau giờ, cần phải giải quyết các vấn đề cốt lõi khác trong giáo dục bắt buộc, chẳng hạn như sự phân bố không đồng đều các nguồn tài nguyên giáo dục cũng như sự cạnh tranh gay gắt trong tuyển sinh của các trường.

Ông nói: “Nếu nhu cầu học thêm vẫn tồn tại, chính sách siết chặt dạy và học thêm chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu".

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/trung-quoc-siet-chat-hoat-dong-day-hoc-them-YM34zv77g.html